Viện Hải dương học Nha Trang vừa phát hiện thấy loài cỏ xoan đơn (Halophila decipiens) cũng phân bố ở độ sâu hơn 6 mét ven vùng biển quần đảo Hải Tặc, thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Cỏ xoan đơn (Halophila decipiens) |
Đây cũng là căn cứ để giải thích tại sao loài bò biển (Dugong) thường xuất hiện ở vùng biển này.
Theo các nhà khoa học, ở vùng biển Kiên Giang có đến 10 loài cỏ biển và thu hút nhiều loài động vật biển quý, hiếm đến đây.
Người dân địa phương cho biết, liên tiếp trong 3 năm qua, ở vùng biển quần đảo Hải Tặc đã xuất hiện đàn Dugong khoảng 10 con.
Trước đó, theo một nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Văn Tiến, Phân Viện Hải dương học tại Hải Phòng, thống kê chung của cả nước thì hiện nay diện tích các bãi cỏ biển của Việt Nam bị giảm 40-60%.
Hiện, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay, diện tích phân bố cỏ biển ở VN vào khoảng trên 10.000 ha.
Ở nước ta, cỏ biển thường phát triển ở vùng triều ven biển, ven đảo, vùng cửa sông, rừng ngập mặn, đầm phá, vũng, vịnh.
Một bãi cỏ biển cỏ xoan đơn |
Thảm cỏ biển có thể làm ổn định và bảo vệ nền đáy bằng hệ rễ, thân bò và lá rụng xuống đất. Chúng có tác dụng ngăn ngừa hoặc giảm thiểu sự xói mòn hay phá hỏng bờ biển.
Vai trò của cỏ biển tham gia các chu trình dinh dưỡng của biển và đại dương thế giới ước tính 3,8 nghìn tỉ (trillion) USD và giá trị kinh tế 1 ha diện tích cỏ biển lên tới 212.000 USD/năm).
Ở Việt Nam kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, giá trị kinh tế gồm giá trị khai thác (cỏ biển và các loài sinh vật kèm theo) và không khai thác (sinh thái môi trường) của cỏ biển tương đối cao (vịnh Cam Ranh: 7.920.000 USD, đầm Tam Giang-Cầu Hai:1.628.000 USD, Băi Bổn ở đảo Phú Quốc: 481.202 USD).