Bẫy đá khổng lồ của người cổ đại

Mang hình dáng giống hệt chiếc diều khi nhìn từ trên cao, công trình cổ đại này thực chất là một chiếc bẫy khổng lồ dùng để săn động vật.

Phát hiện bẫy đá khổng lồ thời cổ đại


Vào những năm 1920, phi công của Không lực Hoàng gia Anh phát hiện nhiều hình thù kỳ lạ giống những cánh diều khổng lồ trên các sa mạc ở Israel, Jordan và Ai Cập. Sau đó, hàng nghìn cánh diều sa mạc khác được phát hiện nằm rải rác dọc từ bán đảo Arab và Sinai đến đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: GAB Gallery).


Phần đuôi của những "cánh diều" khổng lồ này là hai bức tường đá thấp có độ dày và chiều cao khác nhau. Chúng dần chụm lại từ xa, tạo thành hình chữ V hoặc hình phễu. Phần chụm nhỏ ở cuối hình phễu nối liền với một rào đất hoặc hố hình tròn. Rào đất có đường kính từ vài mét đến vài trăm mét trong khi những bức tường có thể trải dài hàng trăm mét và thậm chí vài kilomet. Hình dáng của chúng cũng như các bằng chứng khảo cổ cho thấy những công trình đá rộng lớn này đóng vai trò như những chiếc bẫy dùng để săn bắt động vật hoang dã. (Ảnh: Pathologycloud).


Năm 2011, một nhóm khảo cổ học người Israel và Mỹ đã phát hiện một lượng lớn xương linh dương bướu giáp có niên đại vào thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên trong một hố lớn cuối "cánh diều" ở đông bắc Syria. Phát hiện này cung cấp bằng chứng trực tiếp về việc người xưa sử dụng công trình hình diều để săn linh dương sau thời kỳ đồ đá mới. (Ảnh: Free Republic).


Phần lớn các công trình hình diều được xây dựng vào năm 4000-2000 trước Công nguyên nhưng một số công trình lâu đời hơn có niên đại năm 8000 trước Công nguyên. Người cổ đại thường chọn địa điểm xây những chiếc bẫy thú khổng lồ này ở những nơi có môi trường tự nhiên thuận lợi cho việc săn bắn. Mặt đất cần bằng phẳng và nằm giữa các rãnh hoặc sông cạn hẹp sâu. Ở một số nơi, họ dùng những chiếc hố sâu 6-15 m thay cho rào đất và có dốc thoải dẫn lên trên để giúp tăng số lượng động vật rơi xuống hố. Con dốc cũng ngăn động vật lấy đà để nhảy ra ngoài hố và vượt qua rào đất. Nhiều tường đá được xây thành các ô nhỏ khiến động vật không thể trốn thoát. (Ảnh: Free Republic).


Một nhóm thợ săn xua đàn thú lớn vào công trình tường bẫy và đuổi chúng chạy đến cuối đường, nơi chúng mất đà và rơi xuống hố hoặc rào đất, sau đó bị giết tập thể. Quá trình săn bắn này đòi hỏi nhiều người tham gia. Sau đó, người cổ đại lột da động vật và chuyển thịt tới nơi họ sinh sống. (Ảnh: Amazing Acient).


Việc săn bắn linh dương kéo dài đến thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Từ một loài động vật móng guốc phổ biến trong thiên nhiên hoang dã, linh dương bướu giáp đang có nguy cơ tuyệt chủng với số lượng ít ỏi ở những khu vực được bảo vệ. (Ảnh: The Megalithic Portal).

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video