Nhà khoa học Haruko Obokata, Nhật Bản ngày 19/12, từ chức sau khi nghiên cứu tế bào gốc từng được ca ngợi là "mang tính đột phá" của bà bị cho là giả.
Trước đó, bà Obokata đã công bố công trình nghiên cứu của mình trên tạp chí uy tín Nature, nói rằng tế bào gốc có thể được tạo ra nhanh hơn và rẻ hơn.
Viện nghiên cứu Riken sau đó đã thử lặp lại các kết quả của bà, nhưng không thành công, làm dấy lên nghi ngờ rằng bà đã làm giả công trình nghiên cứu.
Sau các nghi ngờ gian lận nghiên cứu tế bào gốc, bà Haruko Obokata đã phải thông báo từ chức - (Ảnh: Reuters)
Bà Obokata sau đó bị buộc tội có hành vi sai trái. Bài báo về nghiên cứu của bà cũng bị rút khỏi tạp chí Nature.
Ngày 19/12, bà Obokata thông báo từ chức. Tuy nhiên bà không thừa nhận gian lận trong nghiên cứu, thay vào đó bà nói: "Tôi đã làm việc cật lực trong ba tháng để có được kết quả đáng kể trên, nhưng giờ tôi quá mệt mỏi và vô cùng bối rối ...".
"Tôi nhận trách nhiệm vì đã gây phiền hà cho một số người vì sự thiếu kinh nghiệm của tôi. Tôi thậm chí không thể tìm được từ ngữ nào để xin lỗi", bà nói thêm.
Theo BBC, Viện nghiên cứu Riken đã chấp thuận đơn từ chức của bà.
Bà không phải là nhà khoa học đầu tiên dính líu đến bê bối tế bào gốc.
Năm 2006, ông Hwang Woo Suk - nhà khoa học tế bào gốc rất nổi tiếng của Hàn Quốc lúc đó, cũng phải từ chức sau khi bị phát hiện làm giả một nghiên cứu tế bào gốc. Ông còn bị phạt tù do tội biển thủ và mua trứng người bất hợp pháp.
Tế bào gốc có thể trở thành bất kỳ loại mô nào trên cơ thể người và có tiềm năng rất lớn trong y học. Chúng đã và đang được nghiên cứu để điều trị các tổn thương do đau tim và giúp phục hồi thị lực.
Tuy nhiên việc tạo ra chúng rất tốn kém và vướng phải vấn đề đạo đức do nguồn sản sinh tế bào gốc chính hiện nay là phôi thai người.