Người mắc bệnh giun xoắn do ăn phải thịt động vật chưa được nấu chín. Khi giun vào cơ thể sẽ gây viêm ruột, xuất huyết ruột. Trường hợp bệnh nặng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não...
Biểu hiện phù mắt do nhiễm giun xoắn (Ảnh: TTO) |
Bệnh giun xoắn được phát hiện vào năm 1835, khi mới phát hiện, người ta đã nhanh chóng tìm ra giun xoắn có mặt khắp nơi trên thế giới, song được phát hiện nhiều tại Bắc bán cầu.
Trong vòng 20 năm trở lại đây, mặc dù đã tích cực phòng chống song bệnh giun xoắn vẫn được phát hiện ngày một tăng ở nhiều quốc gia, thậm chí còn bùng dịch. Nhiều nhà khoa học cho rằng cần đưa bệnh giun xoắn lên hàng bệnh cần báo dịch.
Sự biến đổi do sự lạm dụng sinh thái xảy ra ở mọi nơi trên thế giới song lại không thiết lập hệ thống giám sát chặt chẽ khiến cho tỷ lệ nhiễm bệnh này tăng lên. Theo thông báo của WHO, tháng 3-2001, dịch giun xoắn đã xảy ra ở Italy làm hàng ngàn người mắc và 50% số lợn điều tra trong đợt dịch này bị nhiễm giun xoắn.
Chu kỳ của giun xoắn
Trong vật chủ, giun xoắn ký sinh ở cả hai thể: trưởng thành và ấu trùng. Giun xoắn trưởng thành ký sinh ở ruột và thể ấu trùng giun xoắn ký sinh ở mô cơ. Giun đực trưởng thành chỉ dài 1,4-1,6mm trong khi giun cái dài 3-4mm. Vật chủ của giun xoắn là người và những động vật nuôi như lợn, mèo, ngựa...; những động vật hoang dại như cáo, gấu, lợn lòi, chó sói, chuột... Vì vậy bệnh giun xoắn có ổ dịch thiên nhiên và ổ dịch gần người.
Bệnh giun xoắn ở người liên quan chủ yếu tới ổ dịch giun xoắn ở động vật gần người. Người mắc phải bệnh này do ăn phải thịt của động vật có kén giun xoắn chưa được nấu chín. Vào tới dạ dày người, ấu trùng giun xoắn được giải phóng khỏi kén, sau 1-2 giờ, ấu trùng di chuyển tới ruột non.
Tại đây sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập vào niêm mạc ruột. Vào ngày thứ 4-5 và kéo dài từ 10-30 ngày, giun cái đẻ ra ấu trùng trong các bạch mạch. Ấu trùng theo hệ bạch mạch tới tim phải, phổi rồi tới tim trái và tới cơ vân, cơ hoành, lưỡi... phát triển thành kén và có khả năng gây nhiễm. Kén giun xoắn có khả năng tồn tại trong mô cơ khoảng 20 năm và vẫn giữ được khả năng gây nhiễm.
Dấu hiệu khi nhiễm giun
Thời gian ủ bệnh của giun xoắn từ 10-25 ngày, nếu thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng. Khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể và phát triển trưởng thành ở ruột thì sẽ bị viêm ruột, xuất huyết ở ruột, khiến bệnh nhân đau bụng và tiêu chảy. Biểu hiện lâm sàng của bệnh giun xoắn có 4 triệu chứng cơ bản:
- Phù mi mắt là dấu hiệu đặc trưng của bệnh, có thể kèm theo phù và chảy máu kết mạc, đôi khi phù toàn bộ đầu, có khi phù cả cổ và chi trên.
- Đau cơ: Đau xuất hiện khi bệnh nhân thở sâu, ho, nhai, nuốt, khi đại tiện. Đau cả ở cơ mặt và cổ.
- Sốt: Thông thường thân nhiệt tăng dần và sau 2-3 ngày thì đạt tới tối đa. Trong trường hợp nhiễm nhẹ, bệnh có thể tiến triển với sốt âm ỉ.
- Tăng bạch cầu ái toan: Bạch cầu ái toan tăng trong những ngày đầu của bệnh, thậm chí trong thời kỳ ủ bệnh và tăng cao nhất vào tuần thứ 3 của bệnh.
Ngoài những triệu chứng nêu trên còn xuất hiện những nốt ban trên da kiểu như mày đay song đa dạng. Trong trường hợp bệnh nặng, thường xảy ra các biến chứng vào tuần thứ 3, thứ 4 như: viêm cơ, viêm phổi, viêm não làm bệnh nhân có thể tử vong. Tùy theo mức độ nhiễm, tỷ lệ tử vong khoảng từ 6-30%.
Điều trị và phòng bệnh?
Chẩn đoán bệnh giun xoắn dựa vào triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và tính chất dịch. Để chẩn đoán khẳng định, cần dựa thêm vào những kết quả xét nghiệm. Xét nghiệm máu thấy tăng bạch cầu ái toan, ở giai đoạn đầu của bệnh có thể tìm thấy giun xoắn trưởng thành trong phân, ở giai đoạn toàn phát có thể tìm thấy ấu trùng giun xoắn trong bệnh phẩm sinh thiết. Cũng có thể dùng các phản ứng miễn dịch như kết hợp bổ thể, ngưng kết, miễn dịch huỳnh quang, ELISA.
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh giun xoắn với các bệnh về huyết thanh, viêm da, viêm cơ, viêm phế quản dị ứng, viêm phổi, cúm...
Tùy theo mức độ nặng nhẹ, tùy theo thể trạng bệnh có thể dùng paraziquantel, mintezol, albendazole theo chỉ định của bác sĩ.
Giun xoắn có ổ bệnh thiên nhiên và ổ bệnh gần người nên phòng chống bệnh này rất khó khăn. Tại các nước châu Âu, châu Mỹ, kiểm dịch sát sinh thường xuyên và phát hiện tỷ lệ nhiễm giun xoắn ở thịt lợn từ 0,4-2,5%, có nơi tới 10%. Vì vậy biện pháp phòng bệnh tốt nhất là kiểm dịch sát sinh phát hiện thịt nhiễm giun xoắn và tuyệt đối không ăn các loại thịt chưa nấu chín.