Bệnh gout đến từ đâu?

Bệnh gút và cách điều trị

Bệnh gout thường được coi là bệnh của nhà giàu, bệnh liên quan trực tiếp tới chế độ dinh dưỡng hàng ngày của người bệnh. Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên nhưng những năm trở lại đây bệnh có xu hướng trẻ hóa độ tuổi và gia tăng về số lượng chóng mặt tại Việt Nam. Vậy nguyên nhân gây ra bệnh là gì và các phòng tránh như thế nào?


Bệnh gout nằm trong nhóm bệnh lắng tụ tinh thể (crystalline deposition disease).

Nguyên nhân gây bệnh gout

Acid uric (acide urique) là thủ phạm

Cụ thể ở bệnh này là lắng tụ tinh thể monosodium urate ở bao khớp, gân do tình trạng acid uric tăng cao trong máu... gây ra các đợt viêm khớp ngoại biên tức là viêm các khớp chân tay đặc biệt hay xảy ra ở ngón chân cái. Tình trạng viêm này là do các con bạch cầu được ví như các lính chiến đấu trong cơ thể đi dọn dẹp các tinh thể này.

Tình trạng viêm này có thể tái đi tái lại nhiều lần gây ra biến dạng khớp nếu không điều trị. Không phải tất cả những người có acid uric cao trong máu là bị cơn gout, tuy nhiên nếu nồng độ acid uric trong máu cao và kéo dài càng lâu thì càng có nguy cơ bị gout.

Cụ thể giới hạn tối đa mà nếu vượt qua sẽ được coi là tăng acid uric máu là 420 µmol/l đối với nam, 360 µmol/ đối với nữ.

Thế tại sao lại bị tăng acid uric trong máu?

Đó là do thận không thải được acide urique hoặc do cơ thể tạo ra quá nhiều (do ăn uống, do bịnh lý như ung thư máu dạng lim phôm, thiếu máu tán huyết, vảy nến.. ) hoặc do bất thường trong chu trình tạo ra acide này.

Bệnh sẽ biểu hiện bằng các cơn đau ở các khớp, khớp có thể bị sưng to đỏ có thể có nước trong khớp đặc biệt là ngón chân cái (khớp bàn ngón) hay bị nhất, tuy nhiên các khớp khác đều có thể bị.Cơn đau rất nặng được mô tả dữ dội và nhiều khi bệnh nhân không dám đắp mền vì chỉ cần chạm nhẹ vào cũng gây ra cơn đau dữ dội.

Cơn gout hay xảy ra sau 1 chấn thương nhẹ, sau bữa nhậu linh đình. Cơn gout có thể xảy ra vài ngày hoặc vài tuần và có thể tự bớt, nhưng nếu không điều trị những cơn này sẽ xuất hiện thường hơn và gây ra biến dạng hủy khớp gây tàn phế.

Những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh gút

  • Yếu tố giới tính: Bệnh gút thường gặp ở nam, ở Việt Nam người mắc bệnh gút có 99% là nam giới.
  • Yếu tố độ tuổi: Gút thường gặp ở độ tuổi 30 - 50 ở nam giới, ở nữ giới thường gặp sau độ tuổi mãn kinh.
  • Yếu tố gia đình: Yếu tố này do gen nhưng cũng có thể do những người trong gia đình có cùng 1 chế độ, thói quen sinh hoạt, ăn uống.
  • Thói quen sinh hoạt: Thường gặp ở những người có thói quen uống đồ uống có cồn như bia rượu. Ngoài ra còn có thêm nhiều yếu tố khác sẽ phân tích sâu hơn ở phần dưới.
  • Yếu tố sức khỏe: Bệnh gút liên quan đến 1 số căn bệnh chuyển hóa khác như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu... Bệnh gút cũng có liên hệ với bệnh béo phì. Người béo phì có nguy cơ mắc gút cao hơn bình thường 5 lần.
  • Ảnh hưởng của một số loại thuốc làm giảm thải acid uric qua thận, rối loạn chuyển hóa acid uric: Thuốc lợi tiểu thiazid, furosemid, aspirin, thuốc chống Lao như pyrazynamid...

Bệnh xuất hiện do tăng acid uric máu sau một số bệnh khác được gọi là bệnh gout thứ phát. Acid uric trong máu có thể tăng thứ phát do những nguyên nhân sau :

  • Do tiêu thụ những loại thức ăn có chứa nhiều purin (gan, lòng, thịt, cá, nấm, tôm, cua), uống nhiều rượu, bia. Thực ra đây chỉ là những tác nhân phát động bệnh hơn là nguyên nhân trực tiếp.
  • Do trong cơ thể tăng cường thoái giáng purin nội sinh (phá hủy nhiều tế bào, tổ chức) liên quan đến các bệnh lý huyết học như bệnh đa hồng cầu, leucemie kinh thể tủy, hodgkin, sarcom hạch, đa u tủy xương, hoặc do sử dụng những thuốc diệt tế bào để điều trị các bệnh u ác tính.
  • Do giảm thải acid uric qua thận: viêm thận mạn tính, suy thận làm cho quá trình đào thải acid uric giảm và ứ lại gây bệnh.

Làm sao để chẩn đoán bệnh gout?

Các BS sẽ cho bệnh nhân đi thử nồng độ acid uric trong máu và tùy theo thông số của mỗi loại máy thử mà cho các con số khác nhau, bình thường nhỏ hơn 7mg/dL.Tuy nhiên cơn gút khá đặc trưng nên đôi khi có thể chẩn đoán qua hỏi bệnh sử và khám bệnh nhân vì nồng độ acid uric trong máu cao giúp chẩn đoán nhưng không chuyên biệt. Nếu lấy dịch khớp đem soi dưới kình hiển vi để thấy các tinh thể urate hình kim là chắc chắn nhất nhưng ít được làm vì nhiều lí do khác nhau.

Chụp x quang khớp cho thấy hình ảnh tổn thương xương dưới sụn.

Các triệu chứng của bệnh gout

Khi có những triệu chứng sau, bạn phải đặc biệt lưu ý đến bệnh gút và cần đi khám sớm nhằm tìm ra phác đồ điều trị thích hợp cho tình trạng của bạn, tránh để bệnh kéo dài trong tình trạng không được điều trị khiến bệnh càng thêm nặng và xảy ra những biến chứng đáng tiếc:

  • Cảm giác ấm, đau, sưng và yếu ở các khớp, thường là khớp ngón chân cái. Triệu chứng này gọi là bệnh gút chân. Cơn đau thường bắt đầu vào ban đêm,nhiều đến mức chỉ cần tấm ga trải giường chạm nhẹ vào cũng đau đến mức độ không chịu nổi. Sự khó chịu này tăng nhanh chóng, kéo dài tới mấy giờ trong đêm rồi giảm trong vòng 2-7 ngày sau đó.
  • Khi cơn gút giảm, lớp da quanh khớp bị đau và có thể tróc ra hay ngứa.
  • Da rất đỏ và hơi tía xung quanh khớp bị nhiễm gút. Khớp đó có thể trông như bị nhiễm trùng.
  • Bị giới hạn cử động ở khớp bị nhiễm gút.

Bệnh tiến triển ra sao và có thể chữa khỏi hay không?

Thường thì cơn gout có thể bị đẩy lui bằng các thuốc hiện có và nếu bệnh nhân chịu theo cuộc điều trị và chấp nhận ăn kiêng thì có thể ngăn chặn được bệnh nhưng nên nhớ rằng đây là loại bệnh không thể chữa dứt, nghĩa là bệnh nhân phải chấp nhận chế độ ăn kiêng và theo dõi bệnh suốt đời.

Nếu không điều trị hoặc để cơn gout xảy ra nhiều lần sẽ gây hủy khớp gây tàn phế, lúc đó cần đến các phẫu thuật tái tạo lại khớp. Khoảng 20 % bệnh nhân bị gout bị sỏi thận do chính tinh thể urate lắng tụ gây ra sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu có thể gây suy chức năng thận, nhiễm trùng tiểu... có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng. một số bệnh nhân có các cục ở dưới da như vùng khuỷu, mắt cá .. gọi là cục tophi là do lắng tụ tinh thể urate khi bể ra làm chảy ra 1 chất bột trắng giống như phấn.

Vai trò của nội soi khớp là làm sạch khớp, cắt bớt bao hoạt dịch của khớp khi bị viêm nhiều lần gây dày, hạn chế vận động của khớp. Một khi khớp bị hư hoàn toàn thì có thể thay khớp bằng khớp nhân tạo.

Sai lầm thường gặp đối với người bị bệnh gout

  • Điều trị thuốc và hết đau là đã khỏi bệnh gout: Sai. Khi bạn uống thuốc và hết đau thì chỉ mới có nghĩa là tạm thời giải quyết được tình trạng viêm của khớp hay gân. Bệnh gout có diễn biến rất mạn tính, kéo dài trong nhiều năm, thậm chí trên dưới 10 năm. Các khuyến cáo đều khuyên nếu người bệnh ổn định về mặt lâm sàng và acid uric-máu trở về bình thường thì vẫn tiếp tục điều trị thêm trong 3 tháng để ngăn ngừa tái phát với người chưa có tophi và trong 6 tháng nếu đã có tophi.
  • Ăn kiêng triệt để: Không hoàn toàn đúng. Vì acid uric vẫn đến từ nguồn nội tại trong cơ thể. Tuy nhiên cũng nên hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều purin như nội tạng động vật, các loại thịt lên men, hải sản, một số ngũ cốc và các loại hạt, rượu, bia...
  • Nước ngọt có ga an toàn với người bị gout: Sai. Vì các loại nước ngọt có ga làm tăng acid uric trong máu, không thua kém gì bia. Người bệnh cần kiêng nước ngọt có ga, nhất là khi dùng với hải sản.
  • Bệnh gout không nguy hiểm đến tính mạng: Sai. Vì người bệnh có nguy cơ mắc thêm bệnh lý thận có thể dẫn đến sỏi thận, suy thận. Tỷ lệ bệnh lý tim mạch tăng cao ở người bị gout và có thể gây ra các biến cố tim mạch chết người.
  • Chỉ có đàn ông tuổi trung niên là mắc bệnh gout: Sai. Mặc dù bệnh gút hay gặp nhất ở đàn ông trung niên tuổi trên 40, nhưng với các chuẩn sinh hoạt được cải thiện, chế độ ăn purine cao, và tỷ lệ tiêu thụ rượu bia khủng như ở nước ta hiện nay thì bệnh gout có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ sau mãn kinh khi hàm lượng estrogen giảm mạnh nên cần chú ý thói quen sinh hoạt phòng ngừa bệnh gout.
  • Người giàu có chế độ ăn giàu đạm mới mắc gout: Sai. Nhiều nghiên cứu cho thấy người nghèo cũng có tỷ lệ bệnh gout cao như mọi người, giàu nghèo đều có thể bị bệnh.
  • Bệnh gout phải có dấu hiệu acid uric-máu cao: Không hoàn toàn đúng. Chỉ có khoảng 10% số người có acid uric trong máu cao bị bệnh gout. Nhiều người đi thử máu thấy có hàm lượng acid uric cao và cho rằng đương nhiên họ sẽ mắc bệnh gout. Khi điều trị, người bệnh acid uric- máu cao thường mong cho hàm lượng acid uric-máu giảm xuống. Tuy nhiên, acid uric sụt giảm có thể làm nặng thêm cơn bệnh gout, vì sụt giảm đột ngột do lắng đọng các tinh thể urate không hòa tan bên trong các khớp và mô chung quanh. Điều này khởi xướng tình trạng viêm khớp di căn. Do đó trong điều trị, thường người ta bắt đầu bằng các liều nhỏ thuốc làm giảm acid uric và tăng dần lên tới liều đầy đủ.
  • Các kháng sinh có thể chống lại gout: Sai. Các kháng sinh thực tế không có tác dụng gì đến chuyển hóa của acid uric. Sự áp dụng khoa học và hợp lý việc điều chỉnh các thuốc chuyển hóa acid uric, giúp khôi phục sự thăng bằng của chuyển hóa acid uric trong cơ thể mới là các nguyên lý của điều trị.
  • Có thể điều trị gout trong thời kỳ ngắn: Điều trị ngắn hạn chỉ có thể làm giảm nhẹ triệu chứng và theo thời gian bệnh sẽ quay trở lại không thể tránh khỏi. Do đó, trị gout phải có kế hoạch dài hạn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Bệnh gout không gây hại cho thận: Sai. Người bệnh chỉ quan tâm đến các triệu chứng của khớp và acid uric mà không đánh giá xem các thận bị hư hại ra sao. Gout không chỉ làm tổn thương đến các khớp mà có thể sinh ra các tinh thể nhỏ ở trong thận gây sỏi thận, suy thận. Do đó, người bệnh phải lưu ý thử các chức năng thận để phát hiện kịp thời.

Một số người tin nước ép trái dưa leo hoặc một số cây như cây đất nở hoa hay một số bài thuốc đăng trên cộng đồng mạng có thể chữa khỏi dứt điểm bệnh gout. Thực tế hiện nay chưa có nghiên cứu nào đưa ra được các biện pháp trên điều trị khỏi bệnh.

Sai lầm của bác sĩ khi điều trị bệnh gout

  • Các tophi đều cần phải mổ để loại bỏ: Điều này không hoàn toàn đúng. Một số tophi chưa có biến chứng có thể sẽ teo nhỏ nếu việc điều trị giảm acid uric trong máu hiệu quả. Chỉ định mổ khi các tophi có thể gây biến chứng như loét da, hủy xương, quá to ảnh hưởng đến chức năng của chi hay sinh hoạt hàng ngày.
  • Điều trị hạ acid uric-máu chỉ cần đưa về ngưỡng bình thường dưới 7 mg/dL là đủ: Tùy trường hợp. Cần đưa nồng độ acid uric về dưới 6 mg/dL cho những người không có lắng đọng tinh thể acid uric ở khớp hay chưa có tophi và dưới 5 mg/dL khi đã có tophi.

Những thực phẩm nên tránh khi bị gout

  • Thịt đỏ, thịt bò và nội tạng bò. Thịt bò và nội tạng bò như gan, thận hoặc lòng bò chứa lượng purin rất cao, nên bạn cần tránh ăn những loại thực phẩm này để phòng tránh bệnh gout. Những thực phẩm có vỏ và loại thực phẩm chứa protein cao cũng sẽ gia tăng nguy cơ bệnh gout.
  • Rượu. Tránh rượu để có thể hỗ trợ phòng chống bệnh gout, mức purine trong rượu bia có thể gây bùng nổ bệnh gout. Rượu làm giảm khả năng cơ thể bài tiết axit uric và tăng sự phát triển của bệnh Gout.
  • Vitamin C. Những thực phẩm chứa lượng Vitamin C cao có thể gây ra sự gia tăng sản xuất acid uric. Nếu bạn có nguy cơ bị bệnh gout hoặc từng bị bệnh gout thì cần có ý kiến của bác sĩ khi dùng các loại thuốc viên Vitamin C hoặc những thực phẩm chứa lượng vitamin C cao.

Sử dụng thực phẩm tốt là cách hỗ trợ bạn phòng tránh bệnh gút

Cách đề phòng bệnh gout

Có thể phòng tránh được bệnh gút bằng việc thực hiện một chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh và khoa học với mục đích tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chống lại các mầm bệnh và duy trì hàm lượng acid urid trong máu ở mức độ vừa phải. Chính vì thế, để đề phòng bệnh gout bạn cần:

  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì.
  • Lựa chọn cho mình một môn thể thao hay bài tập phù hợp và tập luyện đều đặn mỗi ngày, ít nhất là 5 lần/1 tuần, mỗi lần 30 phút.
  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế ăn các thực phẩm có tác dụng làm tăng hàm lượng acid urid trong máu.
  • Uống đủ nước mỗi ngày để thanh lọc và giải độc cơ thể, có thể uống thêm nước khoáng kiềm để tăng khả năng bài tiết thải acid urid.
  • Trong thực đơn hàng ngày nên ăn thêm: ngũ cốc, bánh mì trắng, các loại rau xanh, cà rốt, bắp cải, đậu phụ, hoa quả.
  • Mỗi ngày chỉ nên ăn tối đa 15g thịt cần tránh ăn phủ tạng động vật (lòng lợn, tiết canh, gan, thận, óc, dạ dày, lưỡi...), các loại thịt đỏ (thịt trâu, bò, chó, dê), các loại hải sản (tôm, cua, cá béo). Có thể ăn trứng, sữa, phomat, thịt trắng như thịt gia cầm, cá nạc.
  • Hạn chế rượu, bia, đồ uống có cồn và các chất kích thích.
  • Tránh ăn những món ăn, cay nóng, hạn chế gia vị trong chế biến bữa ăn hàng ngày, hạn chế những thức ăn chua như nem chua, dưa hành muối, canh chua, hoa quả chua, uống nước chanh... vì chính những chất chua lại làm bệnh nặng hơn.
Cập nhật: 18/11/2019 Tổng hợp
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video