Bệnh ho gà: Nguyên nhân, lây truyền, cách phát hiện, điều trị và dự phòng

Bệnh ho gà (pertussis hoặc whooping cough) là một bệnh rất dễ lây, gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên là Bordetella pertussis. Vi khuẩn này bám vào các nhung mao (nhỏ, duỗi thẳng như sợi tóc) lót ở phía trong một phần đường hô hấp trên. Vi khuẩn giải phóng độc tố, làm tổn thương nhung mao và gây viêm (phù nề).

Lây truyền

Ho gà là một bệnh rất dễ lây lan, chỉ được phát hiện ở người và được lây truyền từ người sang người. Người bị ho gà thường lây bệnh khi ho hoặc hắt hơi trong khi tiếp xúc gần với những người khác, sau đó những người này hít thở phải vi khuẩn ho gà. Nhiều trẻ sơ sinh bị ho gà do lây bệnh từ anh chị em, bố mẹ hoặc người chăm sóc mà thậm chí có thể họ không biết họ có bệnh. Các triệu chứng của bệnh ho gà thường xuất hiện trong vòng 5 – 7 ngày sau khi phơi nhiễm, nhưng đôi khi nó không biểu hiện trong khoảng thời gian 3 tuần.

Trong khi vắc xin ho gà là công cụ hiệu quả nhất mà chúng ta có để dự phòng bệnh này thì không có vắc xin nào đạt hiệu quả 100%. Nếu ho gà lưu hành trong cộng đồng, khả năng mà một người ở bất cứ tuổi nào đã được tiêm phòng đầy đủ đều có thể mắc bệnh rất dễ lây lan này. Nếu bạn đã được tiêm phòng thì nhiễm trùng thường ít nghiêm trọng hơn. Nếu bạn hoặc con bạn bị cảm lạnh bao gồm ho nhiều hoặc ho kéo dài trong một thời gian dài thì đó có thể là ho gà. Cách tốt nhất để biết chắc chắn là đi khám bác sĩ.


Ảnh chụp kính hiển vi khuẩn Bordetella pertussis sử dụng kỹ thuật nhuộm Gram. (Ảnh: CDC).

Các dấu hiệu và triệu chứng

Ho gà có thể gây bệnh nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn. Bệnh thường bắt đầu bằng triệu chứng giống như cảm lạnh và có thể có ho ít hoặc sốt nhẹ. Sau 1- 2 tuần thì ho nhiều bắt đầu. Không giống như cảm lạnh, ho gà có thể biểu hiện một loạt các cơn ho liên tục trong nhiều tuần.

Ở trẻ sơ sinh, ho có thể tối thiểu hoặc thậm chí không có. Trẻ sơ sinh có thể có một triệu chứng là "ngừng thở". Ngừng thở là một tình trạng tạm dừng hô hấp của trẻ. Ho gà là bệnh nguy hiểm nhất đối với trẻ nhỏ. Một nửa số trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị ho gà phải nhập viện.

Ho gà có thể gây ho dữ dội và ho nhanh, nhiều và nhiều nữa, cho tới khi khí ra khỏi phổi và trẻ/bạn phải hít vào gắng sức tạo ra một tiếng rít lớn. Ho dữ dội có thể khiến trẻ/bạn nôn khan và rất mệt. Thường không có tiếng rít và nhiễm trùng thường nhẹ hơn (ít nặng nề) ở thiếu niên và người lớn, đặc biệt là những người đã được tiêm chủng.

Các triệu chứng sớm có thể kéo dài trong 1 – 2 tuần và thường bao gồm:

  • Chảy nước mũi.
  • Sốt nhẹ (thường nhẹ trong suốt quá trình bệnh).
  • Ho nhẹ hoặc thúng thắng.
  • Ngừng thở – tạm dừng hô hấp (ở trẻ sơ sinh).

Bởi vì ho gà ở giai đoạn đầu dường như không có gì nhiều hơn so với cảm lạnh thông thường, cho nên nó thường ít được nghĩ tới và ít được chẩn đoán cho tới khi các triệu chứng nặng hơn xuất hiện. Người nhiễm bệnh dễ lây lan nhất vào khoảng 2 tuần sau khi bắt đầu ho. Kháng sinh có thể làm giảm khoảng thời gian dễ lây lan của người nhiễm bệnh.

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng điển hình/kinh điển của ho gà xuất hiện bao gồm:

  • Nhiều cơn ho nhanh theo sau bởi tiếng rít the thé.
  • Nôn mửa.
  • Kiệt sức (rất mệt) sau mỗi cơn ho.

Tiến triển của bệnh ho gà

Những cơn ho có thể xuất hiện liên tục trong ít nhất 10 tuần. Ở Trung Quốc, bệnh ho gà được gọi là "bệnh ho 100 ngày".

Mặc dù trẻ/bạn thường kiệt sức sau mỗi cơn ho, nhưng trẻ/bạn lại thường có biểu hiện khá tốt giữa các cơn ho. Cơn ho thường trở lên phổ biến hơn và nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển, và có thể xuất hiện nhiều hơn về ban đêm. Bệnh có thể nhẹ hơn (ít nghiêm trọng hơn) và không có tiếng rít điển hình ở trẻ em, thiếu niên và người lớn đã được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà.

Phục hồi sau ho gà có thể diễn ra chậm. Ho nhẹ hơn và ít hơn. Tuy nhiên, những cơn ho có thể quay lại vì nhiễm trùng hô hấp sau nhiều tháng sau khi mắc bệnh ho gà.

Biến chứng

Sơ sinh và trẻ em

Ho gà có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi đe dọa tính mạng ở sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Có khoảng một nửa số trẻ dưới 1 tuổi bị ho gà phải nhập viện. Trẻ em càng nhỏ tuổi thì việc điều trị tại bệnh viện sẽ càng cần thiết. Trong số những trẻ sơ sinh nhập viện vì ho gà thì có khoảng:

  • 1 trong số 4 trẻ (23%) bị viêm phổi (nhiễm trùng phổi).
  • 1 hoặc 2 trong số 100 trẻ (1,6%) sẽ có co giật (run dữ dội, khó kiểm soát).
  • 2/3 (67%) sẽ có ngừng thở (thở chậm hoặc ngừng thở).
  • 1 trong 300 trẻ (0,4%) sẽ có bệnh não.
  • 1 hoặc 2 trong 100 trẻ (1,6%) sẽ tử vong.


Bít tắc tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh viêm phổi do bệnh ho gà. (Ảnh CDC).

Thiếu niên và người lớn

Thiếu niên và người lớn cũng có thể bị biến chứng do bệnh ho gà. Biến chứng thường ít nghiêm trọng hơn ở những lứa tuổi này, đặc biệt với những người đã được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà. Biến chứng ở thiếu niên và người lớn thường gây ra bởi bản thân các cơn ho. Ví dụ, trẻ/bạn có thể bất tỉnh, gẫy xương sườn trong cơn ho dữ dội. Trong một nghiên cứu, dưới 5% thiếu niên và người lớn mắc bệnh ho gà được nhập viện. Viêm phổi (nhiễm trùng phổi) được chẩn đoán trong 2% nhóm bệnh nhân này. Các biến chứng phổ biến nhất của một nghiên cứu khác ở người lớn mắc bệnh ho gà là:

  • Sút cân (33%).
  • Mất kiểm soát bàng quang (28%).
  • Bất tỉnh (6%).
  • Gẫy xương sườn do ho nặng (4%).


Đứa trẻ có các mạch máu bị vỡ ở mắt và bầm tím trên mặt do ho nhiều trong bệnh ho gà. (Ảnh: CDC).

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán

Bệnh ho gà có thể được chẩn đoán bằng cách cân nhắc tới nếu trẻ/bạn đã phơi nhiễm với bệnh ho gà và bằng cách thông qua các biện pháp thăm khám sau:

  • Bệnh sử/diễn biến của các dấu hiệu và triệu chứng điển hình.
  • Thăm khám thực thể.
  • Xét nghiệm bao gồm lấy mẫu dịch tiết ở thành sau họng.
  • Xét nghiệm máu.

Điều trị

Bệnh ho gà thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh và việc điều trị sớm rất quan trọng. Điều trị có thể khiến nhiễm trùng ít nghiêm trọng hơn nếu nó được bắt đầu sớm, trước khi những cơn ho xuất hiện. Điều trị cũng giúp dự phòng lây bệnh cho những người tiếp xúc gần (những người đã dành nhiều thời gian ở xung quanh người nhiễm bệnh). Điều trị sau 3 tuần bị bệnh gần như không giúp ích gì bởi vì vi khuẩn đã biến mất khỏi cơ thể của trẻ/bạn, ngay cả khi trẻ/bạn vẫn còn triệu chứng. Điều này là do vi khuẩn đã gây tổn thương cơ thể của trẻ/bạn.

Có một số thuốc kháng sinh điều trị bệnh ho gà. Nếu bạn hoặc con bạn được chẩn đoán bệnh ho gà, bác sĩ sẽ giải thích làm thế nào để điều trị nhiễm trùng. Sẽ có bài riêng về điều trị kháng sinh được khuyến cáo bởi Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng Bệnh tật Hoa kỳ (CDC) trong điều trị bệnh ho gà.

Bệnh ho gà đôi khi rất nghiêm trọng, cần được điều trị tại bệnh viện. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao nhất bị các biến chứng nặng do bệnh ho gà. Xem một số hình ảnh về trẻ sơ sinh đang được điều trị bệnh ho gà ở bệnh viện.


Trẻ sơ sinh đang được điều trị ho gà nặng. (Ảnh: CDC).

Nếu con bạn được điều trị bệnh ho gà tại nhà

Không cho thuốc ho trừ khi có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Cho thuốc ho có thể sẽ không giúp ích gì và nó thường không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 4 tuổi.

Quản lý bệnh ho gà và làm giảm nguy cơ lây bệnh cho người khác bằng cách:

  • Tuân thủ liệu trình sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ.
  • Giữ cho nhà cửa không có các chất kích thích, càng nhiều càng tốt, vì nó có thể kích thích gây ho, chẳng hạn như khói thuốc, bụi, và hơi hóa chất.
  • Sử dụng bình xịt hơi sương sạch và mát để giúp làm lỏng chất tiết và làm dịu ho.
  • Thực hành rửa tay tốt.
  • Uống nhiều chất lỏng, bao gồm nước, nước trái cây và súp, và ăn nhiều hoa quả để dự phòng mất nước (thiếu dịch). Thông báo ngay lập tức với bác sĩ bất cứ dấu hiệu mất nước nào phát hiện được. Các dấu hiệu mất nước bao gồm miệng khô và dính, buồn ngủ hoặc mệt mỏi, khát, tiểu ít hoặc tã ướt ít hơn, không có nước mắt khi khóc, yếu cơ, đau đầu, chóng mặt hoặc hoa mắt.
  • Ăn các bữa nhỏ và thường xuyên giúp dự phòng nôn nếu có.

Nếu con bạn được điều trị bệnh ho gà tại bệnh viện

Con bạn có thể cần giúp giữ đường thở thông thoáng, điều này có thể cần đến việc hút chất tiết đặc đường hô hấp. Nếu cần sẽ phải được theo dõi sát hô hấp và thở oxy. Truyền dịch có thể cần thiết nếu con bạn có các dấu hiệu mất nước hoặc biếng ăn. Các biện pháp dự phòng, như thực hành vệ sinh bàn tay tốt và giữ sạch các bề mặt, cần được tuân thủ thực hiện.

Dự phòng

Vắc xin

Cách tốt nhất để dự phòng ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thiếu niên và người lớn là tiêm chủng. Ngoài ra, giữ trẻ sơ sinh và người có nguy cơ cao bị biến chứng do bệnh ho gà xa những người bị nhiễm bệnh.

Tại Hoa Kỳ, vắc xin ho gà cho trẻ sơ sinh và trẻ em được khuyến cáo có tên là DTaP. Đây là vắc xin phối hợp có tác dụng bảo vệ cơ thể trước ba bệnh: bạch hầu, uốn ván và ho gà. Hiện nay tại Việt Nam, vắc xin dự phòng bệnh ho gà được sử dụng là Quinvaxem.

Sự bảo vệ của vắc xin đối với ba bệnh này mất dần theo thời gian. Trước năm 2005, chỉ có loại vắc xin tăng cường (nhắc lại) bảo vệ trước hai bệnh uốn ván và bạch hầu (gọi là Td), và đã được khuyến cáo cho thiếu niên và người lớn mỗi 10 năm. Ngày nay có loại vắc xin tăng cường cho trẻ lớn, thiếu niên, và người lớn có tác dụng bảo vệ trước ba bệnh uốn ván, bạch hầu và ho gà (Tdap).

Điều dễ dàng nhất đối với người lớn cần làm là tiêm Tdap thay vì mũi Td tăng cường chống uốn ván định kỳ tiếp theo mà họ dự định tiêm mỗi 10 năm. Liều Tdap có thể được tiêm sớm hơn mốc 10 năm, do đó nó là một ý tưởng tốt đối với người lớn để nói chuyện với nhân viên chăm sóc sức khỏe về điều gì là tốt nhất cho tình huống đặc biệt của họ.

Nhiễm trùng

Nếu bác sĩ xác định rằng đứa trẻ/bạn bị bệnh ho gà thì đứa trẻ/bạn sẽ có sự bảo vệ tự nhiên (miễn dịch) đối với nhiễm trùng trong tương lai. Một số nghiên cứu quan sát cho thấy rằng bệnh ho gà có thể cung cấp khả năng miễn dịch trong 4 – 20 năm. Vì khả năng miễn dịch này giảm và không có khả năng bảo vệ suốt đời cho nên tiêm vắc xin dự phòng định kỳ được khuyến cáo.

Kháng sinh


Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi có nhiều nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng do bệnh ho gà.

Nếu bạn hoặc một thành viên trong gia đình được chẩn đoán bệnh ho gà, bác sĩ hoặc cơ sở y tế địa phương có thể khuyên bạn nên dùng kháng sinh dự phòng (thuốc có thể giúp dự phòng các bệnh do vi khuẩn) cho các thành viên khác trong gia đình để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Ngoài ra, những người khác ngoài gia đình có tiếp xúc với người bị bệnh ho gà có thể được dùng kháng sinh dự phòng tùy thuộc vào có hay không việc họ được coi là có nguy cơ bị bệnh nghiêm trọng hoặc nếu họ có tiếp xúc thường xuyên với ai đó mà được cho là có nguy cơ cao bị bệnh nghiêm trọng. Sẽ có bài riêng về sử dụng kháng sinh dự phòng bệnh ho gà sau phơi nhiễm.

Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi có nhiều nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng do bệnh ho gà. Mặc dù phụ nữ có thai không có nguy cơ gia tăng với bệnh nghiêm trọng, nhưng những phụ nữ mang thai trong thời kỳ ba tháng cuối sẽ được coi là có nguy cơ gia tang vì họ có thể khiến trẻ mới sinh của họ phơi nhiễm với bệnh ho gà. Bạn cần thảo thuận có hay không cần dùng thuốc kháng sinh dự phòng với bác sĩ, đặc biệt nếu có trẻ sơ sinh hoặc phụ nữ có thai trong gia đình bạn hoặc bạn có kế hoạch tiếp xúc với một trẻ sơ sinh hoặc phụ nữ có thai.

Vệ sinh

Cũng giống như nhiều bệnh về đường hô hấp, bệnh ho gà lây lan qua ho và hắt hơi khi tiếp xúc gần gũi với người khác, sau đó họ hít phải vi khuẩn ho gà. Thực hành vệ sinh tốt luôn được khuyến cáo để dự phòng sự lây lan của bệnh lý đường hô hấp này:

  • Che miệng và mũi bằng khan giấy khi ho và hắt hơi.
  • Bỏ khan giấy đã dùng vào thùng rác.
  • Nếu bạn không có khan giấy, thì ho hoặc hắt hơn vào tay áo trên hoặc khuỷu tay của bạn, không ho hoặc hắt hơn vào bàn tay bạn.
  • Rửa bàn tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong tối thiểu 20 giây.
  • Nếu không có xà phòng và nước thì chà xát bàn tay bằng cồn.
Cập nhật: 06/12/2024 Theo yhocthuongthuc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video