Từ khi mới sinh ra, cháu T.T.A.T, ngụ ở Bến Tre, đã bị chảy nước mắt kèm theo ghèn ở hai bên mắt. Thấy vậy, nhưng gia đình lại nghĩ chỉ là một biểu hiện thông thường của trẻ mới sinh, chắc một thời gian sau sẽ hết...
Thông lệ đạo cho trẻ bị bệnh “khóc hoài” (Ảnh: N.C) |
Bị tắc hệ thống lệ đạo
Bác sĩ Võ Thị Chinh Nga, Khoa Nhi BV Mắt TPHCM, cho biết thời gian gần đây số trẻ bị chảy nước mắt sống đến khám và điều trị rất đông, trung bình khoảng 30 trẻ/ngày (trước đây chỉ 15-20 trẻ/ngày). Trong các bệnh về mắt ở trẻ em, đây là bệnh gặp nhiều thứ hai chỉ sau bệnh đau mắt đỏ.
Theo bác sĩ Nga, triệu chứng của bệnh chảy nước mắt sống là trẻ bị chảy nước mắt thường xuyên hoặc từng lúc, chỉ bị một hoặc cả hai bên. Chảy nước mắt có thể kèm theo chất tiết, mù ghèn hay chất nhầy... Nguyên nhân gây bệnh là do hệ thống lệ đạo bị tắc, bị bít bẩm sinh, lệ quản, ống lệ mũi, chấn thương gây đứt lệ quản do trẻ chơi đùa bị té ngã hoặc bị mảnh bụi kim loại văng vào kết mạc, giác mạc,... Thời gian gần đây, BV Mắt đã tiếp nhận nhiều trẻ bị chảy nước mắt sống do nguyên nhân bị chó, mèo cào.
Điều trị phụ thuộc nguyên nhân
Cũng theo bác sĩ Nga, tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị thích hợp. Đối với trẻ chảy nước mắt ngay từ khi mới sinh, có thể chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý, nhưng khi trẻ có ghèn nhiều thì phải nhỏ thuốc kháng sinh kèm theo day ấn lệ đạo. Trong trường hợp trẻ vẫn không khỏi, bác sĩ sẽ cho bơm rửa và thông lệ đạo cho trẻ. Tuy nhiên, cách điều trị này thường được thực hiện khi trẻ đã 3 tháng tuổi. Khi ấy, trẻ sẽ được bơm thông vài lần kèm với day ấn lệ đạo. Trong lúc bơm rửa mà phát hiện ra trẻ bị tắc lệ đạo, các bác sĩ sẽ tiến hành thông lệ đạo. Còn với trẻ bị dò lệ đạo thì phải phẫu thuật để bít lỗ dò. Trẻ đến BV khi mắt đã bị sưng, áp xe túi lệ sẽ được rạch mủ để điều trị cho hết áp xe, sau đó sẽ được phẫu thuật bằng tiếp khẩu túi lệ. Khoảng 6 tháng sau, bệnh nhân sẽ được rút ống silicon ra và đa số bệnh nhân sẽ trở lại bình thường.
Điều trị sớm: Tránh được nhiều nguy hiểm
Bác sĩ Nga nhấn mạnh, trẻ mắc bệnh chảy nước mắt sống nếu không được điều trị sớm sẽ gây viêm túi lệ cấp, áp xe túi lệ, nặng hơn còn gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não, tử vong. Vì vậy, bác sĩ Nga khuyên, ở trẻ mới sinh ra mà mắt hay có ghèn, đỏ và đặc biệt là hay chảy nước mắt thì nên đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để được khám và điều trị. Tuyệt đối không nên tự nhỏ thuốc vì có thể gây các biến chứng như cườm nước, viêm loét giác mạc... gây mù mắt. Bác sĩ Nga nói nếu trẻ mắc bệnh này được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì việc điều trị rất đơn giản.
Phó giáo sư, bác sĩ Lê Minh Thông - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ và thần kinh nhãn khoa, BV Mắt TPHCM: Người lớn cũng mắc Bệnh chảy nước mắt sống không chỉ xảy ra ở trẻ em mà người lớn cũng mắc bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây tắc nghẽn hệ thống lệ đạo, như trước đó người bệnh mắc bệnh mắt hột, viêm mũi, viêm xoang, chấn thương vùng mũi... Trung bình mỗi tháng tại Khoa Tạo hình thẩm mỹ và thần kinh nhãn khoa tiếp nhận phẫu thuật cho khoảng 30 bệnh nhân bị chảy nước mắt sống. Ở người lớn, cách thông lệ đạo không có tác dụng điều trị tắc lệ đạo. Do vậy, người bệnh không nên đi thông quá 3 lần vì thông nhiều sẽ làm hư lệ đạo, tạo hiệu quả kém trong phẫu thuật sau này. Hiện nay, phương pháp điều trị tối ưu là phẫu thuật tiếp khẩu túi lệ mũi, nghĩa là tạo ra một đường thoát mới giúp nước mắt chảy vào mũi trở lại. |
Thùy Dương