Bệnh tay chân miệng gia tăng ở Hà Nội

Từ đầu tháng đến nay Hà Nội ghi nhận 73 ca tay chân miệng, tăng so với hai tháng đầu năm; 2 ca dương tính với virus EV71 là chủng nguy hiểm.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận 176 ca tay chân miệng rải rác tại 19 quận, huyện, thị xã, giảm 41% so với cùng kỳ, chưa có tử vong. Tháng 1 có 52 ca, tháng 2 ghi nhận 47 ca, song số bệnh trong tháng 3 tăng cao với 73 ca, trong đó có 2 ca dương tính với virus EV71.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời tiết hiện tại thuận lợi cho tác nhân gây bệnh tay chân miệng phát triển. Các ca mắc còn rải rác và chưa có tử vong, tuy nhiên có sự gia tăng vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3.

Để chủ động phòng bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu trạm y tế các quận, huyện, thị xã phát hiện sớm ca bệnh, khống chế không để dịch lây lan; phối hợp với phòng giáo dục tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho học sinh, khuyến cáo phụ huynh khi có trẻ mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế để có biện pháp cách ly kịp thời. Các trường học cũng được hướng dẫn cách phòng bệnh như vệ sinh lớp (sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi...) bằng xà phòng hoặc chloramin B...


Các ca mắc tay chân miệng không phải do chủng virus EV71 thường nhẹ. (Ảnh minh họa: Dương Ngọc).

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao vào các tháng 9-11 và lây truyền theo đường tiêu hóa. Nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ, một số ít trường hợp diễn biến nặng và biến chứng nguy hiểm.

Có nhiều tuýp virus gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp khác nhau. Trong đó, EV71 là một chủng virus gây bệnh tay chân miệng nguy hiểm vì dễ biến chứng nặng, lưu hành ở phía Nam phổ biến hơn phía Bắc.

Dịch tay chân miệng tăng cao trong nước từ năm 2011. Năm 2014, cả nước có 76,3 nghìn ca tay chân miệng, 9 người tử vong, giảm gần 32% so với trung bình giai đoạn trước đó. Dù vậy, bệnh vẫn lưu hành ở mức cao và rộng khắp cả 63 tỉnh, thành. Trong 3 tháng đầu năm ngoái, cả nước ghi nhận gần 10.000 ca bệnh, 2 trường hợp tử vong.

Theo bác sĩ, hầu hết ca tay chân miệng ở ngoài Bắc đều diễn biến nhẹ. Trẻ bị sốt, sau đó nổi ban ở lòng bàn tay, bàn chân, một số xuất hiện thêm ở gối hoặc vùng mông, khuỷu tay. Phần lớn trẻ đều xuất hiện ban trong miệng, khiến bé rất đau, quấy khóc nhiều, khó nuốt. Có trường hợp sốt cao nhưng thường sốt vừa phải, không cao lắm. Bệnh thường tự khỏi sau 3-5 ngày nếu cha mẹ biết cách chăm sóc.

Nếu trẻ sốt cao thì hạ sốt bằng paracetamol, cho ăn nhiều bữa, ăn lỏng, uống nhiều nước, không cần uống thuốc kháng sinh. Các nốt ở ngoài chân tay thì không cần thiết bôi thuốc, chỉ rửa bằng sạch xà phòng là vài ngày tự biến mất.

Cha mẹ lưu ý không cần lau miệng cho trẻ. Nhiều người thấy miệng con bị hôi, không đánh răng được thì lấy bông, gạc lau rửa răng miệng bằng nước muối. Động tác này vô tình làm vết loét thêm nặng hơn, thậm chí có thể gây bội nhiễm vi khuẩn. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho bé có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với trẻ khác.

Cập nhật: 17/03/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video