Phòng ngừa 5 dịch bệnh lây nhiễm mùa cận Tết

Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm, cúm gia cầm, liên cầu lợn khuẩn là 5 bệnh có nguy cơ bùng phát và lây lan trong tiết trời vào đông sang xuân.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo phòng ngừa đối với một số dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong mùa đông xuân 2015-2016.

Bệnh tay chân miệng

Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus đường ruột gây ra, dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa và tiếp xúc, đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ người lành mang trùng chiếm 71%. Trong 10 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 46.646 ca, 6 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2014, số ca mắc giảm 31,2%.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên có thể nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Khuyến cáo cộng đồng phòng bệnh:

  • Vệ sinh cá nhân: Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày ở cả người lớn và trẻ em. Trước khi chế biến thức ăn, ăn hay cho trẻ ăn, trước lúc bế ẵm trẻ, sau đi vệ sinh, sau thay tã và làm vệ sinh cho trẻ... cần rửa tay sạch.

.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày ở cả người lớn và trẻ em. (Ảnh: Lê Phương).

  • Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi). Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
  • Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  • Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
  • Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
  • Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của bé để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
  • Trong trường học: Bố trí đủ bồn rửa tay có vòi nước và xà phòng ở những vị trí thuận lợi cho học sinh rửa tay. Hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách, thường xuyên với nước và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu.
  • Đối với các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ: Thường xuyên rửa sạch bàn tay trẻ, người giữ trẻ xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày. Đối với trường có tổ chức bữa ăn tại trường cần đảm bảo ăn chín, uống chín, đủ chất dinh dưỡng.

Sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm virus Dengue cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Trong 10 tháng đầu năm cả nước ghi nhận 58.633 trường hợp mắc tại 52 tỉnh thành phố, 42 trường hợp tử vong.

Khuyến cáo phòng sốt xuất huyết trong cộng đồng:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

  • Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn. Thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước. Thay nước bình hoa, bỏ muối, dầu hóa chất diệt loăng quăng, bọ gậy vào bát nước kê chân chạn và các ổ nước đọng.
  • Hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
  • Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
  • Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Thực hiện tuyên truyền, vận động giáo viên, học sinh tham gia phòng chống sốt xuất huyết tại các trường học
  • Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Bệnh cúm

Là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ em.

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.

Virus cúm A có khả năng gây nhiễm các loài động vật có vú (như lợn và ngựa), các loài chim và gia cầm. Tất cả tuýp virus cúm A tồn tại trong quần thể chim nước hoang dại. Virus cúm B và C chỉ gây bệnh ở người. Thời gian ủ bệnh ngắn, từ 1-5 ngày, trung bình là 2 ngày. Mọi người đều có khả năng cảm nhiễm cao với bệnh. Tỷ lệ cảm nhiễm với các chủng virus cúm mới rất cao, có thể lên tới 90% cả người lớn và trẻ em.


Mọi người đều có khả năng cảm nhiễm cao với bệnh cúm mùa.

Khuyến cáo cộng đồng phòng bệnh cúm mùa:

  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
  • Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
  • Tiêm văcxin cúm mùa phòng bệnh.
  • Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
  • Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Bệnh cúm gia cầm

Đặc điểm của bệnh:

Bệnh cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus cúm tuýp A, với các triệu chứng thường gặp là sốt cao trên 38 độ C, ho, khó thở, suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong.

Tác nhân gây bệnh là virus cúm A thường biến dị nhanh. Có tính sinh bệnh cao, có khả năng gây bệnh nặng ở người. Chim có thể đào thải virus ít nhất 10 ngày theo đường miệng và phân. Có khả năng truyền trực tiếp từ chim, gia cầm sang người. Nếu có nhiều người mắc bệnh thì làm tăng khả năng là người bệnh trở thành nơi trộn lẫn các virus cúm người và động vật tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái tổ hợp hình thành virus mới với gene virus cúm người.

Có thể tồn tại lâu ở môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ thấp, có thể sống hàng tháng ở nhiệt thấp. Ở nhiệt độ 37 độ C có thể sống nhiều ngày trong phân của gia cầm.

Khuyến cáo cộng đồng phòng bệnh cúm gia cầm:

  • Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đảm bảo ăn chín, uống chín. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
  • Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
  • Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
  • Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bệnh liên cầu lợn ở người

Bệnh liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus Suis lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh. Bệnh có các biểu hiện lâm sàng đa dạng, hay gặp nhất là thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn:

Viêm màng não: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác... xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể.

Sốc nhiễm khuẩn: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... dẫn đến hôn mê và tử vong.

Thời gian ủ bệnh trung bình từ khi phơi nhiễm đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên khoảng 2 ngày, dao động từ 3 giờ đến 14 ngày. Người bị nhiễm S.suis thường do tiếp xúc trực tiếp (chăn nuôi, giết mổ) hoặc sử dụng các sản phẩm từ lợn như tiết canh, thịt, phủ tạng của lợn ốm, chết chưa được nấu chín. Trong 11 tháng đầu năm 2015, ghi nhận 82 trường hợp mắc mới, 10 trường hợp tử vong.

Khuyến cáo cộng đồng phòng bệnh liên cầu:

  • Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo...).
  • Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
  • Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
  • Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
  • Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra cần cẩn trọng với các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, rubella, bạch hầu...

Cập nhật: 06/01/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video