Các nhà khoa học tìm thấy những miệng hố khổng lồ ở đáy biển vùng duyên hải Na Uy, giúp hé lộ nguyên nhân hình thành Tam giác quỷ Bermuda nổi tiếng.
International Business Times hôm 13/3 đưa tin, những miệng hố rộng 500m và sâu 46m. Chúng có thể do khí gas rò rỉ từ những quặng dầu khí nằm sâu dưới đáy biển gây ra. Khí gas tích tụ ở lớp trầm tích trước khi tạo ra các vụ nổ ở đáy biển và vùng nước xung quanh.
Tam giác quỷ Bermuda là mồ chôn nhiều tàu thuyền và máy bay. (Ảnh minh họa: Youtube).
"Vô số miệng hố khổng lồ tồn tại ở đáy biển khu vực trung tây biển Barent có thể là kết quả của những vụ nổ khí gas quy mô lớn. Vùng miệng hố chắc chắn là một trong những điểm nóng giải phóng khí methane ở Bắc Cực", nhóm nghiên cứu tại Đại học Na Uy cho biết.
Gần đây, các nhà nghiên cứu phát triển một thiết bị radar có thể hiển thị hình ảnh chi tiết của vùng đáy biển, theo Sunday Times. Hình ảnh đồ họa chỉ ra rõ nét những khu vực rò rỉ khí methane trên toàn cầu. Phát hiện có thể cung cấp giải thích khoa học cho hàng loạt báo cáo của các thủy thủ về vùng biển sủi bọt không rõ lý do.
Phát hiện sẽ được công bố vào tháng 4 trong cuộc họp thường niên của Liên đoàn Khoa học Địa chất châu Âu. Một trong những chủ đề gây tranh cãi là khả năng đe dọa an toàn tàu thuyền của bọt khí methane. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của các con tàu ở Tam giác Bermuda.
Tam giác Bermuda ở tây bắc Đại Tây Dương. (Ảnh: Wikipedia).
Tam giác Bermuda hay "Tam giác Quỷ", là một khu vực ở tây bắc Đại Tây Dương giáp Bermuda, Puerto Rico và Melbourne, Florida, Mỹ, nơi nhiều con tàu và máy bay mất tích bí ẩn trong thời gian dài. Từ khi được ghi nhận vào năm 1851, ước tính khoảng 8.127 người đã mất tích ở Tam giác Bermuda.
Tầng đá gốc ở khu vực này có từ trường bất thường khiến la bàn bị chệch. Trong khi đó, những quặng khí methane đóng băng có thể phát nổ dữ dội, đủ khả năng nhấn chìm các con tàu lớn. Trong vùng biển cũng thường xuyên xuất hiện vòi rồng với sức gió lên đến 190km/h, phổ biến vào mùa hè khi không khí ẩm ướt và nước biển ấm nóng.