Từ lâu, người ta vẫn luôn tin rằng, vòng tròn đá Stonehenge bí ẩn được người xưa xây dựng với chức năng là nơi tiến hành các nghi lễ thờ cúng thần linh.
>>> Tiết lộ “động trời” về đài thiên văn Stonehenge
Mới đây, các nhà khảo cổ học đã khám phá ra một điều thú vị khác về khu vực linh thiêng nhất của nước Anh này. Theo đó, Stonehenge có thể là nơi mà người cổ đại tạo ra một thứ ảo giác âm thanh.
Tiến sĩ Steven Waller, chuyên gia nghiên cứu về đặc tính âm thanh tại các di chỉ cổ đại giải thích: nếu có hai người cùng thổi sáo trong khu vực này, thì khi đi bộ quanh Stonehenge, bạn sẽ nghe thấy một thứ âm thanh hết sức kỳ lạ. Các sóng âm thanh phát ra từ phía mỗi người chơi sẽ loại trừ lẫn nhau, tạo ra điểm âm thanh khác biệt.
Vòng tròn đá Stonehenge bí ẩn.
Tuy giả thuyết chỉ mang tính chất suy đoán, nhưng kết quả thử nghiệm cho thấy cách bố trí vòng tròn đá Stonehenge thực sự mang lại một loại ảo giác thính giác.
Mặt khác, lý thuyết này cũng được hỗ trợ bởi một truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia, đây là nơi sinh sống của 2 con người có yêu thuật. Stonehenge được tạo ra để họ cùng với những cây sáo của mình, có thể mê hoặc và dẫn dụ các thiếu nữ đến nhảy nhót và sau đó biến họ thành đá. Do vậy, Stonehenge còn được mệnh danh là “những hòn đá biết thổi sáo”.
Để tiến hành thí nghiệm, các tình nguyện viên được yêu cầu đi lại quanh khu vực này với đôi mắt bị bịp kín trong khi 2 người khác thổi sáo. Họ sẽ thông báo với Waller bất cứ khi nào họ nghĩ rằng có một vật cản nào đó đang tồn tại giữa họ và tiếng sáo.
Trên thực tế, họ không hề gặp bất kỳ chướng ngại vật nào, nhưng những “điểm chết” âm học được tạo ra bởi hiện tượng âm thanh bị nhiễu sóng khiến cho các tình nguyện viên nghĩ rằng có.
“Họ đã chỉ ra cấu trúc, lối đi và các khe hở của vật cản mà họ cảm nhận được, và thật thú vị khi những gì họ chỉ ra đều khá giống Stonehenge”, Waller nói.
Waller tin rằng, những người xây dựng Stonehenge hơn 5.000 năm trước có thể đã biết đến thứ ảo giác này. Mặc dù nghiên cứu này vẫn chưa thể giải quyết bí ẩn của Stonehenge, nhưng nó góp phần làm nổi bật tầm quan trọng của âm thanh trong các khám phá khảo cổ học.