Bí ẩn hầm mộ nhà thờ 2.500 bộ hài cốt

Men theo cầu thang đá nhỏ hẹp xoắn ốc, ẩm thấp nằm bên dưới nhà thờ Holy Trinity ở Northamptonshire, Anh Quốc, sẽ tới căn hầm xương hay còn gọi là nhà nguyện Rothwell, với khoảng 2.500 bộ hài cốt. Căn hầm được coi là một trong hai ngôi nhà nguyện từ thời Trung cổ ở Anh vẫn còn giữ những hài cốt “nguyên thủy” của con người.

Mặc dù đã có niên đại hàng trăm năm nhưng nhiều bộ hài cốt dường như vẫn còn nguyên vẹn. Những bộ xương sọ được xếp ngay ngắn trên kệ gỗ. Đằng sau ngăn tủ xương sọ là rất nhiều các mảnh xương từ các bộ phận khác, xếp chồng chất lên nhau.


Bên ngoài nhà nguyện Rothwell.

Lịch sử từ thời Trung Cổ

Vào năm 1950, nhà thờ Holy Trinity được đặt vào Danh sách Các công trình kiến trúc đặc biệt nhất của Vương quốc Anh. Ngoài việc được xem là nhà thờ dài nhất nước Anh, nó còn được biết đến là nơi có “căn hầm xương người” bí ẩn 700 năm tuổi nằm dưới lòng đất.

Hàng nghìn bộ xương trong hầm mộ được cho là hài cốt của khách hành hương và những người cầu nguyện, chứ không phải xương của bệnh nhân hoặc binh sĩ như người ta vẫn tưởng lâu nay.

Được biết, vào thời trung cổ, hàng trăm căn hầm xương người rải rác vùng nông thôn Anh. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hơn 50 hầm mộ thời trung cổ có niên đại từ 13 đến thế kỷ 15, nằm trong khu phức hợp nhà thờ, nhà thờ giáo xứ, tu viện và bệnh viện trên khắp nước Anh.

Sau khi mai táng tổ tiên, xác thịt bay hết đi để lại phần hài cốt, người ta đã cẩn thận mang hài cốt đến những căn hầm này như một nghĩa địa chung để tiện thăm viếng và cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ giúp cho người quá cố sớm được siêu thoát lên thiêng đường.


Năm 1700, căn hầm được khám phá lần đầu tiên.

Qua nhiều thế kỷ, số lượng các hầm mộ này giảm mạnh do bị phá hủy hoặc lãng quên dần. Giờ đây, căn hầm xương hay nhà nguyện Rothwell nằm bên dưới nhà thờ Holy Trinity, Northamptonshire được cho là một trong hai nhà kho thời trung cổ ở Anh vẫn còn chứa đựng những nắm xương tàn của người xưa. Theo các nhà khảo cổ, căn hầm xuất hiện từ thế kỷ 13 và là nơi yên nghỉ của khoảng 2.500 người vô danh, trong đó 1.500 hài cốt tương đối nguyên vẹn, nhưng lại chỉ có 800 hộp sọ.

Từ khi phát hiện ra hầm mộ, các cuộc nghiên cứu về nó liên tục diễn ra và cũng từ đó dấy lên nhiều giả thiết khác nhau. Điển hình như vào những năm 1860, Paul Cypher (bút danh của một bác sĩ địa phương và là mục sư) đã xuất bản một tài liệu, cho rằng nhà nguyện kiểu như Rothwell còn được xây dựng tại một số nhà thờ khác thời Trung cổ để đặt xương người khi đào một ngôi mộ mới.

Trước đó, năm 1700, căn hầm được khám phá lần đầu tiên khi một kẻ đào mộ bị rơi xuống căn hầm rộng ngổn ngang các bộ xương, gây sốc mọi người. Từ đó mọi người truyền tai nhau vô vàn những câu chuyện không rõ thực hư về một hố đen đầy xương người. Cho tới nay những câu chuyện đó đã trở thành nét văn hóa truyền thống của địa phương.

Chỉ là một dạng “nghĩa địa chung”?

Gần đây, dự án Rothwell Charnel Chapel của nhóm nghiên cứu Đại học Sheffield mở ra nhằm tìm hiểu kỹ hơn về “căn hầm xương người này”. Tại sao lại có nhiều xác người đến như vậy? Họ là những ai? Vì sao họ chết? Căn hầm đóng vai trò như thế nào trong thời trung cổ? Nó đơn giản chỉ là nghĩa địa chung hay được sử dụng với mục đích khác?...

“Đã có không biết bao nhiêu tin đồn thật giả xung quanh căn hầm xương người hàng trăm năm tuổi này và mục đích của tôi là muốn tìm ra lý do thực sự tại sao căn hầm này lại được xây dựng”, bà Jenny Crangle, một nhà khảo cổ học cho biết.

Trước đây, nhiều người từng nghĩ, hầm mộ giống như “khu rác”, nghĩa là nó chứa những bộ hài cốt không được trọng vọng như bệnh nhân mắc dịch bệnh hoặc binh sĩ tử trận trong trận chiến Naseby đã nổ ra vào năm 1645. Nhưng một số người cho rằng, những bộ xương không hề có dấu hiệu thương tích chứng minh họ là nạn nhân của bệnh dịch hạch.

Và kết quả là các nhà nghiên cứu khoa học thuộc khoa khảo cổ của Đại học Sheffield đã tìm ra câu trả lời. Xương trong hầm mộ từ thế kỷ 13 là của khách hành hương, những người đến đây để cầu nguyện và dân làng. Còn có các bộ hài cốt được đưa tới các nhà nguyện để cầu bình an và siêu thoát.

Bà Crangle, cùng với các nhà khoa học thuộc Đại học Sheffield liên tục nghiên cứu hệ thống hầm mộ này trong năm năm, đã sử dụng các kỹ thuật khoa học hiện đại để phân tích 800 mẫu xương người. Các nhà khoa học tin rằng người ta đã chuyển xương từ nhiều nghĩa địa sang hầm mộ như một hình thức mai táng.

“Những bộ xương trong hầm mộ trên không phải của binh sĩ vì chúng gồm cả xương phụ nữ và nam giới. Hơn nữa, xương trong hầm mộ cũng không phải là hài cốt bệnh nhân. Không ai muốn đào mộ, di chuyển thi hài của các người mắc dịch bệnh”, bà Crangle giải thích, “Những dấu tích trên xương, thứ mà người ta từng nghĩ là vết sẹo khi giao tranh, thực chất xuất hiện sau khi người ta đã chết”.

Nhiều tin đồn cho rằng, trong hầm chỉ có xương sống và xương sọ, nhưng trên thực tế có rất nhiều bộ xương người hoàn chỉnh tất cả các bộ phận. Hiện các nhà nghiên cứu đang hi vọng họ sẽ phân loại được tuổi, giới tính và quê quán của các bộ hài cốt.

Địa điểm có tầm quan trọng quốc tế

Giả thuyết vẫn luôn là giả thuyết và những bí ẩn về Rothwell sẽ vẫn là chủ đề được các nhà khoa học nghiên cứu trong tương lai. Rằng tại sao có hàng nghìn bộ xương người nhưng rất nhiều bộ không hoàn chỉnh? Chúng đã được đưa đi đâu? Tại sao nhiều hộp sọ bị mất tích?... Một lần nữa, đó là một câu hỏi hóc búa mà chưa ai có thể tìm ra.


Hình ảnh về căn hầm xương người Rothwell.

Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Sheffield đã xác định được gần 60 điểm lưu trữ xương trên khắp Vương quốc Anh. Tuy nhiên không có nơi nào mà các bộ xương người hàng trăm năm tuổi được bảo tồn tốt như ở Rothwell.

Lizzy Craig Atkins - nhà khảo cổ học cũng là người lãnh đạo dự án nghiên cứu của Đại học Sheffield-nói: Nhà nguyện Rothwell (căn hầm xương) là một địa điểm có tầm quan trọng quốc tế. Những nhà nguyện còn sót lại như vậy rất hiếm ở Anh. Nó chứa đựng nguồn tài nguyên khảo cổ lý tưởng cho các nhà nghiên cứu sử dụng để nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về các xác chết thời trung cổ”.

“Hàng trăm năm trôi qua nhưng những bộ xương thực sự khiến thế hệ ngày nay ấn tượng kinh ngạc. Đây có thể nói là một nơi tối quan trọng trong thời trung cổ, một nơi linh thiêng”, Lizzy cho biết.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sheffield đã tái tạo căn hầm xương để bất kỳ ai cũng có thể tham quan địa điểm bí ẩn này không cảm thấy sợ hãi. Khu vực này luôn được thắp sáng và mọi người đều được phép bước vào. Bất cứ ai có tinh thần thép và độ tò mò cao thì Nhà nguyện Rothwell là địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng những bộ xương kỳ bí tồn tại suốt bảy thế kỷ. Đây cũng trở thành địa điểm cho những người dân địa phương cầu nguyện cho linh hồn người chết.

Cập nhật: 16/05/2018 Theo baophapluat
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video