Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy tầm quan trọng của biển trong việc hỗ trợ sự sống mà không cần đến các điều kiện môi trường cụ thể.
Nước biển - yếu tố cần thiết cho sự sống
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge và Đại học Cape Town có thể đã tìm ra lời giải cho bí ẩn về việc làm thế nào phốt pho trở thành một thành phần thiết yếu của sự sống trên Trái đất thông qua việc tái tạo nước biển từ thời tiền sử có chứa nguyên tố này trong phòng thí nghiệm.
Phát hiện của nhóm cho thấy rằng nước biển tiết lộ rằng nước biển ban đầu có thể chứa lượng phốt phát (Công thức hóa học: PO4) gấp từ 1.000-10.000 lần so với suy nghĩ trước đây, miễn là trong nước có chứa các thành phần của sắt.
Đây thậm chí được xem là nguồn cung cấp phốt phát với số lượng đủ lớn để hỗ trợ sự sống mà không cần đến các điều kiện môi trường cụ thể.
Được biết, phốt phát là một thành phần quan trọng của DNA và RNA - những thành phần cấu tạo nên sự sống. Mặc dù vậy, đây là một trong những nguyên tố ít phổ biến nhất trong vũ trụ, đặc biệt là so với ý nghĩa sinh học mà nó mang lại.
Các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng phốt pho đóng vai trò như một phần quan trọng của quá trình sinh học, nhưng mãi tới gần đây, họ mới bắt đầu nhận ra vai trò của phốt phát trong việc thúc đẩy quá trình tổng hợp các phân tử cần thiết cho sự sống trên Trái đất.
Nói cách khác, hoàn toàn có thể coi phốt phát là khởi nguồn của sự sống.
"Thật thú vị khi thấy những thí nghiệm đơn giản trong phòng thí nghiệm có thể lật ngược suy nghĩ của chúng ta về các điều kiện tồn tại trên Trái đất thủa sơ khai", Matthew Brady, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Mở đường cho tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất
Nếu như phốt phát là khởi nguồn của sự sống, thì sắt chính là "thuốc dẫn", giúp đưa nhiều phốt phát hơn vào dung dịch. Đây là nhận định của các nhà nghiên cứu sau khi họ xem xét các vùng nước có chứa trầm tích lắng đọng ở Biển Baltic.
Họ cho rằng sắt có thể giữ được một lượng lớn phốt pho từ trước khi các tinh thể hình thành và các khoáng chất tách ra khỏi chất lỏng.
Điều này không chỉ mở ra những khám phá mới về Trái đất cổ đại, mà còn có thể liên quan đến sao Hỏa sơ khai.
Được biết, bằng chứng về nước trên sao Hỏa cổ đại từng bao gồm các lòng sông và lớp trầm tích để lại sau những trận lũ lụt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết rằng có rất nhiều sắt trên bề mặt và bầu khí quyển của sao Hỏa.
Dựa trên những mô phỏng về sự hình thành của nước và bề mặt sao Hỏa, các nhà nghiên cứu đi tới giả thuyết rằng nước giàu sắt cũng có thể cung cấp phốt phát trong môi trường này, theo cách giống như Trái đất.
Đây sẽ là những kiến thức quý giá để các nhà khoa học tiếp tục chặng đường của mình trong việc khám phá sự hình thành của nước, hay thậm chí là sự sống từng tồn tại trên Hành tinh Đỏ.