Bí ẩn văn bia cổ

Kể từ ngày văn bia cổ được cho là của người Chăm được phát hiện cách đây 75 năm, mọi thông tin trên bia đá này vẫn là ẩn số dù đã có nhiều chuyên gia tham gia giải mã.

Văn bia này nằm trên vách đá tựa lưng vào núi, mặt hướng ra lòng sông A Vương tại độ cao gần 700m so với mực nước biển tại thôn Nal, xã Lăng (H.Tây Giang, Quảng Nam). Cư dân Cơ Tu bản địa gọi tấm bia này là bia Achia, bia Zơmớ. Đối với giới nghiên cứu, các nhà khảo cổ học, việc xuất hiện một di tích do người xưa để lại ngay tại vùng biên giới Việt - Lào thực sự là một việc đáng bàn. Trong đó, nhà dân tộc học Nguyễn Thượng Hỷ đã từng bỏ công tìm hiểu ý nghĩa của tấm bia này. Căn cứ các tài liệu trước đó, ông Hỷ từng cho rằng đây là một di tích do người Chăm cổ để lại.

Văn tự cổ trên bia đá tại xã Lăng được cho là của người Chăm cổ

Theo đó, ông Hỷ đã dẫn lại tư liệu “Văn khắc trên đá ở Samo: Một đoán định giải mã diễn dịch và định ngày tháng” của tác giả Daoruang Wittayarat, tiến sĩ trường Nghiên cứu ứng dụng bậc cao của Pháp. Những tư liệu của bài viết này nêu: vào khoảng tháng 3/1938, trong một đợt tìm kiếm ở khu vực biên giới với Lào do Le Pichon (một thanh tra đội quân bản địa An Nam 2) tiến hành đã phát hiện những ký tự khắc trên tấm bia đá này. Trong 2 ngày, Le Pichon phát quang và tô vôi trên diện tích 5x12m để chụp ảnh.

Đồng quan điểm nguồn gốc văn bia là của người Chăm, ông Nguyễn Tri Hùng, một người nghiên cứu về dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam) cho rằng tấm bia này xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 13, khi người Chăm theo “con đường tơ lụa” qua Champasak, Atapu (Lào), thậm chí đến đông bắc Thái Lan để giao thương, buôn bán. Thời điểm đó, con đường tốt nhất là từ Đà Nẵng đến Đại Lộc (Quảng Nam) lên đến vùng Ngật thẳng lên xã Atiêng, đến khu 7 (H.Tây Giang) rồi đổ về vùng hạ Lào.


Vách đá nơi phát hiện tấm văn bia - (Ảnh: Hoàng Sơn)

“Trong lịch sử, người Chăm đã mất khoảng 3 ngày đi theo “con đường tơ lụa” đến vùng Atiêng (vị trí văn bia). Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên trong đoàn thương lái đã có người chết dọc đường. Bằng chứng là ngày nay, tại khu vực Atiêng có các ngôi mộ của người Chăm với một tấm bia đá trắng đặt trên mộ để đánh dấu. Xâu chuỗi những chi tiết này có thể khẳng định, văn bia cổ được phát hiện tại xã Lăng là của người Chăm”, ông Hùng nhận định. Ông Hùng cho biết thêm, bia ký thường được dựng trong 2 trường hợp: một là do chiến tranh, người ta khắc lại như để ghi sử; hai là để tưởng nhớ những người đã khuất, những việc đã qua. Theo lý giải của ông Hùng thì bia đá này được hình thành trong trường hợp thứ 2.

“Nếu giải mã được, những nội dung trên bia đá sẽ chứng minh được hai giá trị lớn. Thứ nhất, từ xa xưa, người Chăm nói riêng và dân tộc Việt Nam đã sớm vươn ra ngoài đất nước của mình để buôn bán, làm kinh tế cho dù người ta có thể sẽ nằm lại trên đường. Thứ hai, từ hàng trăm năm trước, người Chăm cổ và người bản địa Cơ Tu đã có mối giao hảo rất tốt, thông hiểu nhau. Triều đình Việt Nam và Vương quốc Chăm thuở đó đã có nền ngoại giao nhân dân đẹp, cư dân sống với nhau hòa thuận và có lòng tin lẫn nhau. Biểu hiện rõ nhất là những mộ Chăm cổ còn lại trên vùng đất của người Cơ Tu đang sinh sống”, ông Hùng nói.

Thế nhưng, từ khi phát hiện đến nay đã tròn 75 năm, những gì được ghi trên bia đá này vẫn là một ẩn số. Trong nỗ lực đọc các nội dung ghi trên văn bia này, cách đây khoảng 2 năm, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã có chuyến khảo sát để ghi lại các thông tin phục vụ nghiên cứu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thêm thông tin gì mới.

Theo Thanh Niên
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video