Được chế tạo riêng tại Đức, tủ kính đặt tiêu bản cụ rùa cuối cùng của Hồ Gươm được làm bằng kính siêu trắng, có khả năng lọc bào tử phấn hoa, bào tử nấm mốc.
Ảnh: Dân trí.
Sáng mai, mẫu vật cụ rùa sẽ được bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội sau hơn 3 năm bảo quản chế tác. Từ hôm nay, mẫu vật đã được trưng bày tại đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm, trong một tủ kính được đặt làm riêng tại Đức.
Theo tiết lộ của PGS. TS Phan Kế Long, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, tủ kính đặt tiêu bản cụ rùa được chế tạo bằng kính siêu trắng. Đây là loại kính rất đắt tiền mà Việt Nam không có, được dùng cho các dòng xe chống đạn. Kính cường lực, có khả năng chống tia UV, chống phản quang. Theo PGS. TS Long, nhờ loại kính đem đến cho người quan sát hình ảnh chân thực nhất về mẫu vật. Khi người xem muốn chụp ảnh cũng không bị phản lại ánh đèn, phản hình ảnh của người chụp lên kính.
Ngoài vật liệu kính siêu hiện đại, tủ đặt tiêu bản cụ rùa còn có hệ thống hút ẩm với khả năng lọc bào tử phấn hoa, bào tử nấm mốc, ngăn ngừa các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến mẫu vật. Phía trên của tủ là dàn lazer lạnh, không ảnh hưởng đến mẫu vật và có thể di chuyển linh động. Tủ có kích thước 1,3x2,3x1,95 m, sau đó được UBND thành phố Hà Nội ốp gỗ.
Theo PGS. TS Long, tất cả các vật liệu, thiết bị kể trên nhằm giúp mẫu vật được bảo quản trong điều kiện tốt nhất đồng thời giúp người xem chiêm ngưỡng mẫu vật một cách trọn vẹn nhất.
Trước đó, cụ rùa được phát hiện chết ngày 19/1/2016 gần khu vực đường Lê Thái Tổ và đưa vào Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ -20 độ C. Đây được coi là cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng ở hồ Gươm-loài rùa vốn được coi là biểu tượng tâm linh của thành phố.
UBND thành phố Hà Nội sau đó quyết định bảo quản cụ rùa theo phương pháp nhựa hóa-phương pháp bảo quản mẫu vật tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai (cấu tạo bằng sụn). Tuy nhiên, Việt Nam chưa có công nghệ này nên Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã thuê hai chuyên gia hàng đầu từ Bảo tàng Berlin của Đức.
PGS. TS Phan Kế Long, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, dự kiến ban đầu việc chế tác diễn ra trong một năm. Tuy nhiên việc chế tạc cụ rùa chậm hơn so với dự kiến do mẫu vật quá lớn lại thuộc hàng độc. Cụ rùa có chiều dài 2,08 mét, rộng 1,08 mét, nặng 169kg, thuộc mẫu vật lớn nhất được bảo quản từ trước đến nay. “Các chuyên gia Đức chia sẻ, họ thường làm mẫu vật 20-30kg, chưa làm mẫu vật rùa mai mềm lớn như thế này. Đây là mẫu vật hết sức độc đáo”, PGS. TS Long chia sẻ.
Theo PGS. TS Long, quá trình chế tác đòi hỏi sự tỉ mỉ cần trọng, trong đó chế tác mắt rùa là khâu quan trọng nhất và khó nhất vì mắt thể hiện hồn của mẫu vật. Các chuyên gia Đức phải tiến hành nghiên cứu trên website, đo đạc, nhìn ảnh cụ rùa lúc còn sống, nhìn vân, nhìn con ngươi, ánh mắt để khi làm xong, đôi mắt sẽ tạo ra được thần thái cụ rùa như mong muốn.