Bí quyết cho "dáng khỏe eo thon" từ thời cổ đại

Ít ai ngờ, người Hy Lạp, La Mã cổ xưa cũng rất chú ý tới các bài tập thể dục nâng cao sức khỏe…

Tập luyện thể dục thể thao được biết đến là một trong những cách nâng cao và cải thiện sức khỏe tốt nhất của con người. Tuy nhiên, tầm quan trọng của thể thao thì không phải mới được chúng ta nhận thức gần đây. Ngay từ thời cổ đại, tổ tiên chúng ta đã rất chú ý tới vấn đề này và để lại rất nhiều bí kíp, bài tập hiệu quả…

Ít ai biết rằng, những người tập thể thao thời Hy Lạp cổ cũng hạn chế uống rượu và sử dụng chất kích thích bởi chúng khiến việc tập luyện trở nên kém hiệu quả. Tuy nhiên ngay cả khi đã uống rượu và hơi say, các vận động viên thể thao vẫn bắt buộc phải hoàn thành các bài tập của mình - chỉ là với cường độ ít hơn so với bình thường mà thôi.


Dầu ô-liu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Hy Lạp. Không chỉ dùng để ăn uống, người Hy Lạp còn sử dụng nó trong việc tập thể dục hàng ngày

Người Hy Lạp cổ đại luôn có thói quen thoa dầu lên người trước khi tập thể dục. Theo quan niệm của họ, việc thoa dầu lên cơ thể sẽ giúp cho làn da người tập luyện co lại, không bị mất nước do thoát mồ hôi cũng như ngăn ngừa việc cảm lạnh.

Theo Anacharsis - một triết gia Hy Lạp sống vào thế kỷ VI TCN, muốn gia tăng sức bền, cách tốt nhất là tập chạy vùi chân trong cát. Ông lý giải rằng, mỗi bước chân dẫm xuống nền cát sẽ làm cát lún xuống và giảm sức bật của đôi chân. Do vậy tập luyện với cát sẽ khiến vận động viên nhanh chóng gia tăng thể lực, độ bền và sức bật của cơ thể.


Các trò chơi hay bài tập thể dục nói chung của người La Mã luôn đề cao sức mạnh cơ bắp

Nếu như người Hy Lạp nổi danh với những bài tập sức bền, thể lực thì người La Mã lại rất thích các bài tập gia tăng sức mạnh cơ. Claudius Galenus (129 - 200/217) - một bác sĩ người La Mã nổi tiếng được coi là người đã phát minh ra các bài tập tăng cơ bắp ở tay khi khuyến khích mọi người thực hiện những động tác co kéo tay liên tục như leo dây, đào đất.

Ngoài ra, ông còn là người chú trọng tới chế độ ăn uống của vận động viên khi chỉ trích việc ăn chay giàu tinh bột của các đấu sĩ thời đó sẽ làm giảm sức chiến đấu lâu dài của họ vì thừa quá nhiều mỡ.


Chân dung "thầy giáo thể dục" vô cùng nghiêm khắc Seneca the Younger

Bên cạnh Galenus, Seneca the Younger (4TCN – 65) cũng là một triết gia kiêm thầy giáo thể dục khét tiếng của La Mã cổ đại. Sinh thời, Seneca hay chỉ trích những bài tập tốn nhiều thời gian vì ông cho là vô ích.

Để thay thế chúng, ông đề cao những bài tập ngắn, đơn giản nhưng cường độ cao, tương đối giống với các bài tập giảm béo ngày nay. Theo ông, các bài tập như vậy không mất quá nhiều thời gian nhưng đủ khiến cơ thể tiêu hao năng lượng và nhanh chóng quay lại với công việc thường ngày.

Người Ai Cập cổ đại rất đề cao tính linh hoạt trong việc tập luyện thể dục, thể thao. Do đó, người dân bên bờ sông Nile từ cách đây hơn 2.000 năm về trước rất ưa thích việc tập uốn dẻo giúp kéo dãn các gân cơ cũng như tăng khả năng thăng bằng của người tập.


Những chiếc vạc đồng như thế này là một dụng cụ tập luyện không thể thiếu của người Trung Quốc cổ đại

Đối với người Trung Quốc, bài tập tốt nhất giúp nâng cao sức chịu đựng của cơ thể là nâng một chiếc vạc hoặc đỉnh nặng được chứa đầy than đốt nóng. Họ quan niệm rằng, sự đau đớn về thể chất là một thử thách tôi luyện ý chí con người. Trong thời gian dài, phương pháp này sẽ tăng khả năng chịu đựng và sức bền của cá nhân.

Tuy nhiên, thực tế đây là một bài tập nguy hiểm cho tính mạng. Trong lịch sử, vua Tần Vũ Vương (khoảng 330 - 307 TCN) vì nâng đỉnh nặng và làm rơi vào chân đã bị gãy xương bánh chè. Vết thương quá nặng đã khiến hoàng đế này qua đời khi mới vừa 23 tuổi.


Các động tác trong bộ Wuqinxi do Hoa Đà sáng tạo mô phỏng động tác của 5 loài vật khác nhau giúp tăng cường sức khỏe

Hoa Đà (145- 208) là vị thần y nổi tiếng bậc nhất lịch sử văn minh cổ đại. Thầy thuốc người Trung Quốc không chỉ đóng góp trong lĩnh vực y khoa mà ông còn dành rất nhiều lời khuyên đúng đắn cho việc luyện tập thể dục thể thao.

Theo Hoa Đà, thở đúng cách khi tập luyện mới giúp phát huy hết sức mạnh tiềm tàng của mỗi con người. Ông đã xây dựng nên một bài tập mô phỏng các hành động của 5 loài động vật khác nhau: hổ, khỉ, gấu, hươu, sếu nhằm cải thiện sức khỏe cho người tập.


Một phần cuốn Charaka Samhita - cuốn sách y học cổ xưa bậc nhất của người Ấn Độ có chứa các lời khuyên khi tập thể dục

Ngay từ rất sớm, người Ấn Độ cổ đại đã ý thức về việc tập luyện thể thao - tập hợp lý, không quá sức. Cuốn Charaka Samhita - một trong những tài liệu y học cổ nhất trên thế giới có chép lại: “tập thể dục quá sức gây ra sự mệt mỏi, khát nước, chảy máu các bộ phận khác nhau trên cơ thể, khó thở, ho, sốt và nôn mửa…”.

Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video