Thời tiết nồm ẩm khiến quần áo lâu khô, có mùi và phát sinh nấm mốc. Bạn nên áp dụng ngay các cách dưới đây để ''giải cứu'' quần áo mùa nồm.
Mẹo giúp bạn giặt quần áo nhanh khô, không bị mùi hôi khi trời nồm ẩm
Mùa nồm đến mang tới cho chị em nội trợ bao nhiêu nỗi lo. Không chỉ có hiện tượng sàn nhà ẩm ướt, đồ dùng ''đổ mồ hôi hột'', nấm mốc phát sinh mà việc giặt giũ cũng gặp vô vàn khó khăn. Tiêu biểu nhất là cảnh quần áo phơi mãi không khô, đã vậy kèm theo mùi hôi khó chịu. Để khắc phục tình trạng này, có 6 mẹo giặt giũ cực kỳ đơn giản mà chị em nên áp dụng ngay.
1. Lựa chọn thời điểm giặt hợp lý
Vào mùa nồm, bạn không nên giặt và phơi đồ vào ban đêm, vì đây là thời điểm độ ẩm tăng cao, kể cả có phơi ở nơi có mái che thì không tránh được tình trạng quần áo có mùi hôi khó chịu. Ngoài ra, phơi đồ vào ban đêm còn khiến quần áo lâu khô hơn, dễ sinh vi khuẩn, nấm mốc gây ra các bệnh về da như nấm, hắc lào, ngứa ngáy,... Do đó, thời điểm phù hợp nhất để giặt và phơi đồ chính là lúc sáng sớm.
2. Ngâm trước khi giặt
Điều kiện thời tiết ẩm ướt là môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn sinh trưởng và gây ra những mùi hôi khó chịu trên quần áo. Ấy vậy, nhiều chị em nội trợ thường ngại giặt giũ quần áo vào những ngày trời nồm, nên có tâm lý chờ đến hôm trời nắng ấm mới mang ra xử lý.
Việc này hoàn toàn sai lầm, bởi vì khi quần áo dơ chất đống ngày này qua ngày kia sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc quần áo phát triển nhanh hơn bình thường. Do đó, nếu bạn quá ngán ngẩm với quần áo bẩn mà trời lại ẩm mốc thì có thể ngâm trước khi giặt để loại bỏ bớt những chất bẩn đang bám dính, giúp cho quá trình giặt được sạch và nhanh hơn.
3. Giặt với nước ấm
Nếu không có máy giặt, chị em có thể sử dụng nước ấm để giặt đồ trước khi phơi. Trong trường hợp bạn sử dụng máy giặt không có chế độ sấy, sau khi giặt xong hãy nhúng quần áo vào nước ấm khoảng 60 độ rồi mang vắt ráo nước. Lý giải cho hiện tượng này chính là nhờ tính chất bốc hơn của nước nóng nên thời gian phơi khô quần áo sẽ ngắn hơn so với việc giặt bằng nước lạnh.
4. Vắt 2 lần
Kết thúc chu trình giặt bao giờ cũng là vắt. Nhờ lực vắt của máy mà quần áo rất ráo nước phơi cũng nhanh khô hơn. Nhưng để gia tăng khả năng... nhanh khô, sau khi máy kết thúc chu trình vắt, bạn có thể gỡ tơi quần áo rồi khởi động chế độ vắt thêm lần nữa. Việc này sẽ giúp những món quần áo trở nên ráo hơn, nhanh khô hơn.
5. Sử dụng nước xả vải
Bên cạnh việc quần áo ẩm ướt thì mùi hôi cũng là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Các loại nước xả vải thường có nhiều lựa chọn mùi hương để người dùng dễ dàng lựa chọn. Việc ngân quần áo qua nước xả vải trước khi phơi sẽ tạo hương thơm, khử mùi và còn giúp quần áo khô nhanh hơn.
Nếu giặt đồ bằng tay thì thời gian ngâm nước xả vải sẽ kéo dài khoảng 10 - 15 phút để mùi hương thấm sâu vào từng sợi vải, tránh được mùi ẩm mốc xảy ra vào mùa nồm.
6. Phơi ngược quần áo
Thêm môt mẹo hay cực đơn giản mà ai cũng có thể áp dụng vào mùa nồm ẩm, đó chính là phơi ngược quần áo. Trên thị trường hiện bán rất nhiều sản phẩm kẹp, móc mà bạn có thể sử dụng để phơi đồ theo cách này. Theo đó, sau khi giặt đồ, bạn nên rũ quần áo thật mạnh để không bị nhăn hay nhàu khi phơi. Sau đó dùng kẹp hoặc móc treo ngược để cố định quần áo lên dây phơi giúp nhanh ráo nước và khô mau hơn.
7. Cuộn trong khăn lông khô
Sau khi vắt kĩ, bạn trải rộng khăn lông khô và cuốn quần áo vào trong. Sau đó tiếp tục vắt để khăn rút bớt nước từ quần áo. Sau đó đem phơi, bạn sẽ thấy quần áo khô nhanh bất ngờ.
8. Giữ khoảng cách khi phơi đồ
Khoảng cách phù hợp để phơi đồ là từ 5 - 10cm. Việc làm này sẽ giúp quần áo không bị dính vào nhau, khiến gây ẩm ướt lẫn nhau. Bên cạnh đó, bạn tuyệt đối không nên gấp đôi quần áo khi phơi trong mùa nồm hoặc phơi chồng quần áo lên nhau.
9. Sử dụng máy sấy
Với gia đình có số lượng quần áo giặt mỗi ngày lớn thì phương án tốt nhất chính là sắm riêng một mẫu máy giặt sấy hoặc máy sấy chuyên biệt. Vào mùa mưa, những thiết bị này sẽ giúp cho việc giặt giũ trở nên đơn giản và tiện lợi hơn rất nhiều. Không những vậy, các mẫu máy sấy hiện đại còn được tích hợp nhiều công nghệ diệt khuẩn, khử mùi để quần áo khô thoáng, sạch sẽ và ngừa vi khuẩn sinh sôi.