Chú cá heo hoảng sợ tự lao mình vào bãi đá như để cầu cứu, nhưng vẫn không thể thoát khỏi số phận bi thảm.
Cá heo tự sát vì bị săn đuổi
Ric O'Barry, người chỉ đạo Dự án bảo vệ cá heo, đến Taiji, Nhật Bản, để quan sát hoạt động săn bắt cá heo thường niên diễn ra từ hôm 11/9. Tại đây, O'Barry có dịp chứng kiến cảnh một con cá heo liên tục lao đầu vào đá trong cơn tuyệt vọng.
Cá heo Risso hoảng sợ bơi quanh bãi quây. (Ảnh: The Dolphin Project).
Trong video do O'Barry quay lại, một gia đình cá heo Risso hoảng sợ bơi điên cuồng quanh bãi quây trên biển sau khi bị xua từ vùng nước sâu vào nơi tàn sát. Chúng liên tục ngoi lên và lặn xuống nước, sau đó mắc vào những bức tường lưới khi tìm cách thoát thân. Một vài con bơi xuống phía dưới lưới nhưng lại mắc kẹt ở đầu lưới gần bờ thay vì tìm được đường ra biển.
Một con cá heo dường như nhận ra người có thể giúp nó bằng trực giác. Con cá tự lao mình vào bãi đá dưới chân O'Barry, vùng vẫy và quẫy mạnh một cách tuyệt vọng.
Con cá heo tuyệt vọng tự lao đầu vào bãi đá. (Ảnh: The Dolphin Project).
O'Barry cũng xúc động không kém nhưng không thể làm gì để giúp đỡ. "Tôi sẽ bị bắt ngay lập tức. Cảnh sát có mặt khắp mọi nơi. Các nhà hoạt động xã hội chỉ có thể quan sát cuộc săn chứ không được can thiệp. Nếu làm vậy, họ sẽ bị bắt giữ và có thể phải ngồi tù dài ngày. Sẽ không ai thấy câu chuyện thực sự ở Taiji", The Dodo dẫn lời O'Barry.
"Cảnh tượng này quá đau đớn. Con cá hoảng sợ lao vào đá, và tôi vô cùng đau khổ vì không thể xuống nước giúp nó. Nó đang tự làm da mình rách toạc. Thật khủng khiếp", O'Barry nói.
O'Barry kể, một chiếc thuyền của ngư dân chậm rãi tiến lại chỗ con vật đang mắc cạn. Khi đến nơi, họ chộp lấy vây và đẩy nó xuống nước, nhưng con cá heo hầu như không thể bơi. Nó bỏ cuộc và chìm dần xuống nước. Một lúc sau, chiếc thuyền khác tấp đến, chở theo một người đàn ông mặc đồ lặn đầy đủ. "Họ cho thợ lặn xuống. Có thể họ sẽ làm thịt con cá", O'Barry cho biết.
Con cá heo mắc trên bãi đá. (Ảnh: The Dolphin Project).
Mỗi năm, 20.000 con cá heo bị tàn sát ở Nhật Bản, trong đó số lượng cá heo trở thành nạn nhân của cuộc săn bắt ở Taiji lên tới hàng trăm con. Một số ít thoát khỏi cái chết sẽ bị bán cho các sở thú và công viên hải dương, phải sống trong môi trường nuôi nhốt, cách xa gia đình.
Trong khi những người ủng hộ cho rằng đây là một truyền thống của Nhật Bản, săn cá heo mới trở nên phổ biến trong vài thập kỷ vừa qua. O'Barry cho rằng những người ủng hộ cuộc săn ở Taiji là một nhóm dân địa phương làm giàu nhờ giết hại cá heo, chứ không đại diện cho toàn bộ người dân Nhật Bản.