Biến cái không thể thành có thể

Hãy thử tưởng tượng xem bạn sẽ phải làm gì khi muốn trở thành một thuyền trưởng tài ba trong khi chưa bao giờ được sờ tay vào một con tàu thật, trở thành một bác sĩ mổ điêu luyện khi không có vật thí nghiệm để thực hành, được trượt tuyến giữa mùa hè oi bức miền nhiệt đới, hay tham gia các trận chiến khốc liệt mang tính lịch sử, hoặc đắm chìm trong không gian của một ngôi nhà với nội thất và bố cục kiến trúc như mình hằng mơ… Những mong muốn tưởng chừng như vô vọng đó giờ đã thành sự thực với công nghệ thực tại ảo.

Công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality, viết tắt là VR) là công nghệ kết hợp hệ thống hiển thị lập thể với những phần mềm xem thực tại ảo. VR có tiềm năng ứng dụng rất lớn bởi nó giúp rút ngắn khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới tưởng tượng.

Giới quân sự sử dụng công nghệ VR để mô phỏng chiến địa, tạo các thiết bị và môi trường ảo giúp tập bắn, tập lái xe tăng, lái máy bay...

Ngành hàng hải sử dụng công nghệ này để mô phỏng cầu cảng như Đại học Hàng Hải Thượng Hải, là một trong những trường đại học đầu ngành tại Trung Quốc, đã xây dựng công trình thiết bị mô phỏng hàng hải lớn với hệ thống chiếu trước được thực hiện bởi 12 máy chiếu Galaxy 12 HB+ của Barco với khả năng hiển thị hình ảnh lập thể Active Infitec, cùng với hệ thống điều khiển từ xa xRACU thực hiện việc căn chỉnh một cách tự động và điều chỉnh màu sắc, độ sáng, giúp cho sinh viên được thực hành trong một môi trường sống động, nâng cao trình độ và khả năng xử lý tình huống.

Còn đối với các bác sĩ, họ có thể thử nghiệm phẫu thuật trên những bệnh nhân mô phỏng mà không còn lo về hậu quả rủi ro xảy ra. Có như vậy, các bác sĩ sẽ vừa nâng cao tay nghề, vừa giảm nguy hiểm cho người bệnh.Hay với một máy tính cài phần mềm xem thực tại ảo, các kiến trúc sư có thể giúp khách hàng của mình nhìn ngắm bên ngoài, xem xét bên trong ngôi nhà mà họ... sắp xây. Bằng cách tải thử các loại đồ nội thất ảo từ server của nhà cung cấp về bố trí trong căn nhà ảo, khách hàng có thể tự do cảm nhận ngôi nhà mới này

VR không chỉ được ứng dụng nhiều trong sản xuất, chế tạo robot, hiển thị thông tin (thăm dò dầu mỏ, dự báo thời tiết), nghiên cứu, giáo dục, thương mại mà còn cả vào trong giải trí.

Tại Nhật Bản, người ta đã xây dựng những "phòng trượt tuyết ảo". Tới đó, người chơi không chỉ được trượt tuyết thỏa thích mà còn tha hồ lựa chọn những bãi tuyết đẹp trên thế giới. Hay nếu như bạn muốn thử nhảy dù từ một độ cao thật đáng sợ, VR sẽ giúp bạn trải nghiệm cảm giác đó. VR cũng có thể đặt chúng ta vào những môi trường giả tưởng, hoàn toàn khác thế giới thực nhưng lại rất thực theo cảm nhận của các giác quan. Theo hướng này, sự ly kỳ của những games nhập vai trong thực tại ảo có lẽ chỉ còn phụ thuộc vào biên độ của trí tưởng tượng.

Còn ở Việt Nam, cũng không ít những công trình được đưa vào phục vụ cho ngành giải trí. Đầu tiên phải nhắc đến là công viên văn hóa Đầm Sen, TP.Hồ Chí Minh – nơi đầu tiên đưa công nghệ thực tại ảo vào khai thác cho nhu cầu giải trí - đã thu hút lượng lớn khách vào tham quan. Không chỉ có trẻ em mà ngay cả người lớn cũng thích nhìn thế giới của loài khủng long xưa trong thế giới ảo mà như thực.

Tại Hà Nội, một nhóm chuyên gia CNTT trẻ, thuộc Trung Tâm Công Nghệ Mô Phỏng của Học Viện Kỹ Thuật Quân Sự đã xây dựng mô hình đền Ngọc Sơn một cách chi tiết và đang thực hiện một dự án tái hiện thành Thăng Long cổ xưa với 3 lớp thành, lần lượt từ ngoài vào trong là Kinh Thành – Hoàng Thành – Tử Cấm Thành nhằm giúp người xem đắm chìm trong lịch sử, phục vụ du lịch, giáo dục.

Có vẻ như công nghệ không chỉ góp phần làm thế giới "phẳng" ra, mà còn đang phá vỡ những mảng tường chắn giữa thế giới thực và thế giới tưởng tượng. Mặc dù trong thời điểm hiện tại, chi phí để phát triển và đưa thiết bị, dịch vụ VR đến người dùng còn cao, nhưng tiềm năng ứng dụng của nó thật khó có thể bỏ qua.

Chỉ bằng một hệ thống mô phỏng có sử dụng đồ họa máy tính, công nghệ VR có thể đưa người ta vào một thế giới nhân tạo với không gian 3 chiều như thật. Thế giới này không tĩnh tại mà phản ứng, thay đổi theo ý muốn của người sử dụng (nhờ hành động, lời nói). Một đặc tính chính của thực tại ảo là tương tác theo thời gian thực (Real Time Interactivity), nghĩa là hệ thống có khả năng nhận biết tín hiệu vào của người sử dụng và thay đổi ngay lập tức thế giới ảo. Người sử dụng nhìn thấy sự vật thay đổi theo ý muốn của họ và bị thu hút.

Đặc tính chính thứ hai của VR là tạo cảm giác đắm chìm (Immersion). Người sử dụng cảm thấy mình là một phần của thế giới ảo, hòa lẫn vào thế giới đó. VR còn đẩy cảm giác này "thật" hơn nữa nhờ tác động lên các kênh cảm giác khác. Người dùng không những nhìn thấy đối tượng đồ họa 3D, điều khiển (xoay, di chuyển..) được đối tượng như trong game, mà còn sờ và cảm thấy chúng như có thật. Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm cách tạo những cảm giác khác như ngửi (khứu giác), nếm (vị giác) trong thế giới ảo.

Có thể nói, với một nền khoa học phát triển không ngừng thì dường như “không có gì là không thể”.

Nguyễn Thu Hiền

Công ty Hoàng Đạo - 65 Láng Hạ - Ba Đình - Hà Nội

Email: thuhien188@gmail.com

Cập nhật: 08/09/2021
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video