Đại đa số các biển đều ở rìa các đại dương, tiếp giáp với đất liền, nhưng biển Sargasso ở Bắc Đại Tây Dương lại là "biển trong đại dương", phía Tây cách Bắc Mỹ cả một vùng biển rộng, 3 mặt kia cũng mênh mông mặt nước. Bởi thế, nó là biển duy nhất trên thế giới không có bờ, do đó cũng không có đường ranh giới rõ rệt.
Biển Sargasso (Ảnh: cccturtle) |
Trên mặt biển Sargasso phủ đầy loại tảo không có rễ màu lục, đó là tảo đuôi ngựa (Sargasso), trông giống như một cánh đồng xanh mướt, trải dài típ tắp. Ngoài ra, đây là một vùng không gió. Trước khi có máy hơi nước, thuyền bè phải nhờ gió đưa đi. Ngày nay, nếu có chiếc thuyền nào lọt vào vùng biển này sẽ không có gió làm động lực, đành chịu ở lại chết do đó người ta gọi đây là "Biển quỷ". Ngày 3 tháng 8 năm 1492, Colombo đã để đoàn thuyền của mình lọt vào biển Sargasso, phải mất 3 tuần lễ mới thoát ra được.
Biển Sargasso cách rất xa các cửa sông nên ít phù du sinh vật, nước biển trong suốt, có thể nhìn sâu tới 66,5m; có nơi có thể nhìn sâu 72m. Do đó, biển Sargasso cũng là biển nước trong nhất thế giới.
Ở đây có một số loài cá đặc biệt như cá bay, cá cờ, cá ngựa, cá Sargasso, chủ yếu lấy tảo đuôi ngựa làm thức ăn. Chúng rất tài ngụy trang, đổi màu giống hệt rong biển. Kỳ lạ nhất là cá Sargasso: màu cá giống hệt tảo đuôi ngựa, mắt của nó cũng có thể đổi màu. Khi gặp kẻ thù, nó có thể uống rất nhiều nước biển làm cho thân thể mình phồng to lên khiến cho kẻ thù ngại tấn công nó.
Cá sargasso (Ảnh: spadre)