Hành vi săn mồi khác thường của cá voi lưng gù

Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện cá voi lưng gù đập mạnh hai chân chèo như chim vỗ cánh để tăng tốc khi săn mồi.

Các nhà khoa học tại Đại học Stanford, Mỹ trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Biology ngày 10/7 cho biết họ lần đầu tiên phát hiện hành vi đập hai chân chèo như chim vỗ cánh của cá voi lưng gù khi săn mồi, theo National Geographic.


Cá voi đập chân chèo để tiến lên, chuyển động tương tự như chim vỗ cánh.

Jeremy Goldbogen, phó giáo sư sinh vật học tại Đại học Stanford, gắn thiết bị ghi hình vào lưng cá voi lưng gù ở vùng biển nam Đại Tây Dương với hy vọng hiểu thêm về cuộc sống trong lòng biển của loài này. Kết quả ông thu được là hành vi di chuyển chưa từng thấy của loài vật này.

"Chúng ta thường cho rằng cá voi dùng đuôi để tạo lực bơi, còn chân chèo chỉ dùng để chuyển hướng", tiến sĩ Paolo Segre, tác giả chính của nghiên cứu, nói. "Tuy nhiên, trong trường hợp này chúng tôi lần đầu tiên ghi nhận một con cá voi đập chân chèo để tiến lên, chuyển động tương tự như chim vỗ cánh".

Cá voi lưng gù có hai chân chèo với bề mặt gồ ghề và mảnh hơn so với các loài cá voi khác. Các nhà nghiên cứu trước đây chỉ có thể quan sát cấu trúc chân chèo từ xác cá voi lưng gù và cho rằng chúng được dùng chủ yếu để chỉnh hướng bơi.

Theo các nhà khoa học, đặc điểm chân chèo có thể lý giải chuyển động kỹ thuật có khả năng tạo ra những lực đẩy tương đối lớn của loài này trong hành vi mới được phát hiện. Theo Segre, cá voi lưng gù là loài cá voi duy nhất có thể thực hiện hành vi này do chiều dài và tầm chuyển động lớn của chân chèo.


Hành động đập chân chèo như chim vỗ cánh cực hiếm của cá voi lưng gù. (Video: Stanford).

Tuy nhiên, hành vi đập chân chèo rất hiếm xảy ra, chỉ xuất hiện hai lần trong các video của khoảng 200 cá thể sau hàng trăm giờ quay. "Có khả năng hoạt động này rất tốn năng lượng và chỉ được dùng khi tăng tốc trong thời gian ngắn", Segre phỏng đoán.

Cá voi lưng gù nuôi cơ thể dài gần 15 m, nặng khoảng 60 tấn bằng cách mở rộng miệng, lao tới trước lọc lấy tôm nhỏ và sinh vật trôi nổi. Chúng cần nhiều năng lượng để thực hiện hàng trăm đợt săn mồi mỗi ngày. Có vẻ như hành vi đập chân chèo tạo ra lực hỗ trợ cần thiết để đẩy cơ thể đi lên trong các cuộc săn này.

Cập nhật: 21/07/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video