Nếu trẻ bắt đầu nói dối ở tuổi thứ hai thì đó là dấu hiệu cho thấy bộ não của chúng đang phát triển cực nhanh và khả năng thành đạt của chúng cũng cao hơn trong giai đoạn sau của cuộc đời.
"Cha mẹ không nên lo lắng khi đứa con biết nói dối quá sớm. Trên thực tế phần lớn trẻ em sẽ nói dối. Những đứa trẻ có tư duy phát triển nhanh luôn nói dối tốt hơn, bởi chúng biết cách che giấu những sơ hở. Chúng có thể tạo nên gia tài lớn trong tương lai", Telegraph dẫn lời tiến sĩ Kang Lee, giám đốc Viện nghiên cứu trẻ em thuộc Đại học Toronto tại Canada.
Nhóm nghiên cứu lần lượt mời từng em vào một phòng có nhiều camera được giấu kín. Một đồ chơi mềm được đặt phía sau các em chưa đến tuổi tới trường. Những em trong độ tuổi đi học được yêu cầu làm một bài kiểm tra khá dễ dàng nhưng lại có đáp án ngay phía sau tờ giấy.
Các chuyên gia rời khỏi phòng trong vài phút và yêu cầu trẻ không được nhìn về phía sau. Nhưng kết quả ghi hình của các camera cho thấy trong 90% trường hợp trẻ làm trái lời họ. Nhưng khi nhóm nghiên cứu hỏi lũ trẻ rằng chúng có nhìn trộm không, phần lớn chúng nói "không".
Kết quả thống kê cho thấy 20% trẻ hai tuổi nói dối. Tỷ lệ đó tăng lên 50% đối với trẻ ba tuổi và 90% ở đối với trẻ 4 tuổi. 12 là độ tuổi mà hầu hết trẻ nói dối. Sau đó tỷ lệ giảm xuống mức 70% từ tuổi 16. Kể từ độ tuổi này, các em bắt đầu biết sử dụng "lời nói dối vô hại" để tránh làm tổn thương người khác.
Nhóm nghiên cứu tiếp tục theo dõi trẻ trong những năm sau đó và nhận thấy những đứa càng nói dối tinh vi thì khả năng tư duy của chúng càng phát triển trong giai đoạn sau của cuộc đời. Họ không tìm thấy mối liên hệ giữa việc nói dối ở tuổi ấu thơ với hành vi gian lận trong các kỳ thi ở trường hay xu hướng trở thành kẻ lừa đảo ở tuổi trưởng thành. Sự nghiêm khắc của cha mẹ hay niềm tin tôn giáo cũng không thể ngăn cản trẻ nói dối.
Tiến sĩ Lee nói cha mẹ nên khai thác những lời nói dối của trẻ, bởi những lời nói dối tinh vi là dấu hiệu cho thấy não của chúng phát triển nhanh.
"Người lớn không nên trách mắng trẻ khi chúng nói dối. Thay vào đó bạn nên nói về tầm quan trọng của sự trung thực và hậu quả xấu của việc không nói thật. Sau độ tuổi thứ tám những cơ hội như thế rất hiếm", Lee nói với tờ Sunday Times.
Theo Telegraph, nói dối đòi hỏi sự tham gia của nhiều quá trình trong não, như hợp nhất các nguồn thông tin và sử dụng những nguồn thông tin đó theo hướng có lợi. Hành vi nói dối liên quan tới sự phát triển của những vùng não có nhiệm vụ thực hiện quá trình tư duy và suy luận ở mức cao.