Hóa chất được dùng để sản xuất bình sữa em bé hoặc màng bọc thức ăn bằng plastic có thể dẫn tới bệnh béo phì. Đó là kết quả thống nhất của ba nghiên cứu riêng biệt được trình bày hôm 14-5 tại Hội nghị Châu Âu về béo phì ở Geneva (Thụy Sỹ).
Trong nghiên cứu đầu tiên, người ta nuôi chuột mẹ (với lượng thức ăn nạp vào và mức độ vận động không khác nhau) trong lồng có chất bisphenol A, một chất thường được dùng trong hộp đựng thức ăn và bình sữa bằng plastic. Kết quả: chuột con lớn lên thành chuột mập.
Nghiên cứu thứ hai, nhốt những con chuột mang thai trong lồng có hóa chất perfluorooctanoic acid, vốn được dùng trong những sản phẩm như bao đựng bỏng ngô. Kết quả: chuột sinh ra nhỏ một cách bất thường nhưng khi lớn lên sẽ thừa cân.
Còn trong nghiên cứu thứ ba, chuột mẹ mang thai được xử lí bằng tributylin, một chất cũng được tìm thấy ở con người. Liền đó, một chương trình di truyền sẽ được khởi động ở chuột con và làm chúng trở thành chuột béo phì sau này. Tributylin cũng là hóa chất có trong màng bọc thức ăn và thuốc diệt nấm.
Theo các chuyên gia, những phát hiện này có thể thay đổi cách nhìn nhận về béo phì cũng như cách chữa trị, nhất là khi tình trạng này ngày càng đáng báo động. Tổ chức Y tế Thế giới đã ước tính đến năm 2015 sẽ có trên 700 triệu người bị béo phì trên thế giới.
Ông Jerry Heindel của Viên khoa học sức khỏe theo môi trường của Mỹ nói: "Nếu những phát hiện này được chứng minh cũng đúng với người, thì chúng ta phải chuyển quan điểm giảm cân khi trưởng thành sang ngăn ngừa việc tích tụ cân nặng trong quá trình phát triển bằng cách giảm sử dụng những chất liệu đó".