Bộ đồ lặn chịu được áp suất ở độ sâu 183m

Hải quân Mỹ hoàn thành các thử nghiệm dưới bể nước cho bộ đồ lặn sâu mới mang tên Thám hiểm Biển sâu không Giảm áp (DSEND).

Bộ đồ lặn DSEND của Hải quân Mỹ có thể chịu được áp suất trên 18 atm ở độ sâu 183m, Interesting Engineering hôm 28/4 đưa tin.


Bộ đồ lặn DSEND được thiết kế để bảo vệ người mặc khỏi áp lực nước khi xuống sâu. (Ảnh: Hải quân Mỹ).

"DSEND thực sự giúp thay đổi cuộc chơi vì bộ đồ là một môi trường độc lập, giữ áp suất bên trong ổn định khi người mặc ngày càng xuống sâu và áp suất bên ngoài ngày càng tăng. Bộ đồ giúp tăng sự an toàn cho thợ lặn, cho phép họ mở rộng phạm vi hoạt động và loại bỏ thời gian giảm áp kéo dài", tiến sĩ Sandra Chapman, chuyên gia tại Phòng Hiệu suất Binh lính thuộc Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (ONR), cho biết.

DSEND trang bị một hệ thống hỗ trợ sự sống khép kín bao bọc thợ lặn trong "kén áp suất" ổn định suốt chuyến lặn. Do đó, thợ lặn có thể làm việc ở độ sâu lớn trong thời gian dài và có thể nhanh chóng bơi lên mà không cần trải qua quá trình giảm áp (khi thợ lặn phải thực hiện một hoặc nhiều lần nghỉ trong quá trình bơi lên để cơ thể có thời gian giải phóng nitơ, hoặc khí khác như heli, một cách an toàn).

"Vì DSEND duy trì áp suất nhất quán, thợ lặn không phải chịu các tác động sinh lý tiêu cực liên quan đến việc lặn sâu như bệnh giảm áp, tiếp xúc với cái lạnh và sự ẩm ướt. Thợ lặn có thể làm việc trong thời gian dài dưới nước sâu rồi nhanh chóng trở lại mặt nước", Paul McMurtrie, quản lý chương trình lặn tại Cơ quan Hệ thống Biển Hải quân (NAVSEA), giải thích.

Dù được làm bằng vật liệu cứng và bền, DSEND vẫn khá nhẹ, giúp người mặc có thể dễ dàng bơi lội hay bước đi dưới đáy biển. Bộ đồ cũng có những lợi ích khác như dễ mặc và cởi, có thể điều chỉnh theo cỡ người của thợ lặn. Ngoài ra, DSEND cũng giúp thợ lặn bớt mệt nhọc nhờ tích hợp các khớp, kẹp và phần bao tay làm từ vật liệu mới bền chắc, nhẹ, phản ánh chuyển động tự nhiên của khớp người.

"DSEND sẽ cho phép thợ lặn thực hiện những nhiệm vụ khó hơn bằng cách xuống sâu hơn, làm việc nhanh hơn và hoạt động lâu hơn. Họ làm tất cả việc này trong khi được một bộ áo giáp cảm biến bảo vệ. Có cảm giác như chúng tôi đang phát triển áo giáp thông minh của tương lai mà bạn thấy trong phim vậy", Tom Hansen, kỹ sư nghiên cứu tại Trung tâm Tác chiến Dưới biển Hải quân (NUWC), chia sẻ.

Cập nhật: 03/05/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video