Bộ tộc sống tách biệt trong rừng rậm Amazon với tục ăn xương người chết

Người Yanomami, sống sâu trong những khu rừng thuộc vùng Amazon, Brazil, được biết đến như là bộ tộc sống tách biệt lớn nhất thế giới. Nhiều người cho rằng họ đã vượt eo biển Bering tới đây từ 1.500 năm trước.

Với 200 đến 250 ngôi làng, dân số người Yanomami ngày nay rơi vào khoảng 32.000 người.

Người Yanomami sống trải rộng trên một khu vực có diện tích lớn gấp đôi Thụy Sĩ, khoảng 9,6 triệu ha. Ngôn ngữ chính là tiếng Yanomami. Họ phân chia lãnh thổ cư trú thành 4 khu vực, gồm người Sanema ở phía bắc, người Ninam chiếm lĩnh vùng đông nam, người Yanomami cùng định cư ở vùng đông nam và người Yanomato sống ở phía tây nam, theo Only Tribal.


Pháp sư kiêm phát ngôn viên của người Yanomami David Kopenwa. (Ảnh: Survival International).

Nhà thám hiểm Tây Âu Alexander Humboldt thế kỷ 18 từng gọi tộc người Yanomami là “những kẻ hiếu chiến” bởi tập quán thích gây chiến, đánh nhau và tấn công các bộ lạc khác cũng như cả thành viên trong chính tộc mình. Tuy nhiên, bạo lực không phải đặc điểm phản ánh văn hóa của người Yanomami.

Tục ăn xương người chết

Bộ tộc Yanomami, một trong những nền văn hóa cổ xưa nhất còn giữ được nguyên vẹn tới ngày nay, có lối sống riêng biệt với ngôn ngữ, niềm tin và phong tục độc đáo. Họ có hệ thống chính trị độc lập và không tôn thờ duy nhất một người đứng đầu. Thay vào đó, họ thường bầu ra một trưởng làng hay “tuxawa” với trách nhiệm chính là giải quyết các bất đồng trong nội bộ làng và với những làng khác.

Người Yanomami theo thuyết duy linh, coi mọi cây cối, sự vật xung quanh mình đều có linh hồn. Họ cũng tin vào khái niệm 4 tầng của vũ trụ. Các pháp sư thường là những người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng Yanomami. Họ được cho là có khả năng chữa bệnh bằng cách sử dụng “quỷ hộ vệ” trục xuất những linh hồn xấu mang tên “hekura” khỏi người bệnh.

Một trong những tập tục nổi tiếng và gây sợ hãi nhất của tộc Yanomami là tục ăn xương người chết Endocannibalism. Nếu ai đó qua đời, người Yanomami sẽ gói thân xác họ lại bằng lá và để giữa rừng sâu khoảng 35 đến 40 ngày. Khi côn trùng, vi khuẩn đã làm mục rữa phần thịt trên cơ thể, xương của xác chết sẽ được thu lại và cất giữ trong những trái bầu.

Sau một năm, trong một nghi lễ khác gọi là “reahu”, họ đem tro xương người chết nấu thành súp. Thực hành nghi thức ăn súp trộn tro xương là cách để người Yanomami thể hiện lòng tôn kính đối với linh hồn đã khuất và đảm bảo rằng linh hồn đã thanh sạch, có thể đi sang “hedus” tức thiên đường của người Yanomami.

Người Yanomami tin rằng có một thế giới linh hồn tồn tại song song với thế giới người sống. Thân xác mất đi nhưng linh hồn thì còn mãi. Thân xác cần được bảo vệ để người chết an giấc thì linh hồn mới có thể chuyển kiếp. Và không có cách nào tốt hơn việc… ăn luôn tro cốt của người đã khuất, khiến thân xác người chết và người sống hòa làm một.

Một phần tro còn lại sẽ được cho vào một ống tre dài, một người thổi mạnh, người còn lại hít sâu vào trong mũi.

Tuy nhiên, trong trường hợp người chết do bị kẻ thù tấn công, chỉ có phụ nữ mới ăn tro cốt. Sau nghi thức mai táng, người Yanomami sẽ thực hiện một cuộc đột kích để báo thù.

Đàn ông trong tộc Yanomami, ngoài trồng trọt, còn kiếm ăn bằng cách săn bắn nhiều loài động vật khác nhau, từ rắn, lợn rừng đến báo, khỉ hay tê tê. Phụ nữ bắt ếch, cua hoặc thậm chí cả sâu bọ để thêm vào các bữa ăn. Một trong những món ăn phổ biến của người Yanomami là món bánh cán mỏng làm từ sắn.

Ngoài ra, bộ lạc còn có tập tục tụ họp dưới mái nhà chung shabono. Trung bình, một shabono có hình tròn với chu vi khoảng 90m, làm từ các nguyên liệu tự nhiên như lá và dây leo rừng. Cứ 4-6 năm/lần, người Yanomami lại dỡ bỏ shabono cũ, dựng cái mới.

Tỷ lệ tử vong trước khi sinh cao và tuổi thọ ngắn khiến người Yanomami không khỏi lo âu về tương lại của bộ tộc, vậy nên, con gái trong tộc thường phải kết hôn sớm. Bên cạnh đó, hôn nhân cũng giúp người Yanomami mở rộng các mối liên kết thông qua những liên minh. Một cô gái được cho là có thể kết hôn khi vừa trải qua lần kinh nguyệt đầu tiên. Các cuộc hôn nhân chủ yếu theo chế độ đa thê.

Năm 1967, nhà di truyền học James Neel và nhà nhân chủng học Napoleon Chagnon đã lấy hàng nghìn mẫu máu của người Yanomami để thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu khoa học mà không nhận được sự đồng ý từ họ. Pháp sư kiêm phát ngôn viên đại diện cho người Yanomami David Kopenwa đã yêu cầu trao trả lại số mẫu máu kể trên.

Tháng 5/2010, họ chính thức đưa ra thông báo đòi thu hồi toàn bộ mẫu máu. Sự việc này đã khơi dậy một cuộc tranh cãi nảy lửa và dẫn tới sự ra đời của cuốn sách “Bóng đêm ở El Dorado” do tác giả Patrick Tierney viết. Trong cuốn sách, ông công khai cáo buộc các nhà khoa học về tội danh diệt chủng. Cáo buộc trên cũng được lặp lại trong bộ phim tài liệu mang tựa đề “Bí mật bộ lạc” của đạo diễn Jose Padilha.

Việc phát hiện ra mỏ vàng tại những khu vực người Yanomami sinh sống hồi năm 1970 là một mối đe dọa khác đối với cộng đồng này. Nó khiến môi trường trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, đồng thời gây ra hàng loạt cái chết.


Một phụ nữ Yanomami bên đứa con của mình. (Ảnh: Wikipedia).

Tháng 10/1991, tộc Yanomami được đưa vào danh sách những bộ lạc cần bảo vệ. Tuy nhiên, hoạt động khai thác và xâm phạm lãnh thổ cư trú của người Yanomami vẫn tiếp diễn, làm dấy lên nhiều cuộc tranh cãi.

Nhà chức trách Brazil cùng các tổ chức phi chính phủ đã giúp xây dựng một dự án giáo dục cho người Yanomami với mục tiêu dạy họ đọc và viết thành thạo. Cuối cùng, người Yanomami năm 2011 đã thành lập nên tổ chức với tên gọi Horonami nhằm bảo vệ các quyền lợi của chính mình.

Cập nhật: 05/01/2021 Theo nongnghiep/dantri
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video