Mỗi khi đi vệ sinh, người dùng được một lần kiểm tra sức khỏe tim mạch, thật tiện lợi!
Những kĩ sư của Viện công nghệ Rochester vừa ra mắt một chiếc bồn cầu rất độc đáo, được tích hợp nhiều cảm biến để có thể đo sức khỏe tim mạch của người dùng khi họ đi vệ sinh. 'Ngai vàng bằng sứ' này có thể cho bạn biết được chính xác các thông số như huyết áp, lượng oxy trong máu, lượng máu mà tim đang di chuyển trong một lần đập.
Theo các nhà đầu tư, sản phẩm này có thể giúp người dùng và các bác sĩ tim mạch thấy được dấu hiệu của bệnh tim nếu có, giúp việc phòng ngừa trở nên dễ dàng hơn, giúp người dùng khỏe mạnh hơn và không tốn quá nhiều tiền viện phí. Hơn nữa, nó cũng có thể là một thiết bị hỗ trợ sức khỏe cho những bệnh nhân bị bệnh tim, cần liên tục phải đo những thông số đã nêu trên.
"Bồn cầu này có khả năng thu thập những thông tin tim mạch, giúp lấp đầy những lỗ hổng trong hồ sơ sức khỏe người dùng. Nó cũng giúp loại bỏ những nhược điểm của việc đo đạc sức khỏe tim mạch bằng cách tích hợp vào một sản phẩm mà người dùng sử dụng hàng ngày".
Hệ thống này được các kĩ sư thiết kế để hoạt động không dây, tích hợp pin và dễ dàng để lau rửa với các cảm biến được tích hợp ngay vào chỗ ngồi và có thể truyền thông tin lên các dịch vụ đám mây.
Các cảm biến được tích hợp bao gồm: cảm biến điện tâm đồ (ECG), cảm biến đo lưu lượng máu (PPG) và 4 cảm biến đo tốc độ máu (BCG). Kết hợp những thông tin trên, bồn cầu có thể đưa ra một bảng số liệu chính xác về tình trạng sức khỏe tim mạch của người dùng.
Cảm biến PPG có thể đo được lượng oxy trong máu bằng cách chiếu 2 tia có bước sóng khác nhau, để đo tác động của hồng cầu trong máu với 2 loại ánh sáng này. Bằng cách so sánh sự phản hồi của 2 tia, cân chỉnh sao cho đúng với từng người, bồn cầu có thể xác định được chính xác lượng oxy.
Các kĩ sư cũng tìm thấy được tương quan giữa số đo của cảm biến BCG với lượng máu được đẩy ra từ tâm thất của tim mỗi nhịp.
Cùng với số liệu từ cảm biến ECG, sản phẩm có thể đo được lượng máu mà tim có thể truyền đi trong một lần đập.
Cuối cùng, bồn cầu có thể đo được huyết áp bằng cách tính toán bằng các số liệu của 2 cảm biến BCG và PPG.
Số đo này có thể được tính bằng cách đo sóng áp lực trên động mạch khi có máu đi qua.
Để biết được những số đo của sản phẩm có chính xác hay không, các kĩ sư sử dụng các dụng cụ tiêu chuẩn được lấy từ bệnh viện, đo thông số máu của 18 người trong vòng 8 tuần.
Bài thử này cho thấy ghế có độ chuẩn cao, thậm chí một vài lần còn vượt tiêu chuẩn của các thiết bị sử dụng trong bệnh viện. Các kĩ sư nói rằng vẫn sẽ cần thời gian để thử nghiệm thêm, nhất là để so sánh với phương pháp đo MRI.
Máy cũng có một nhược điểm lớn: người dùng chỉ có thể đo chính xác số đo tim mạch khi chỉ ngồi yên chứ không...đi vệ sinh! Nhưng các kĩ sư cũng đang tìm cách để nâng cấp sản phẩm, cho phép nó có thể sử dụng được kể cả những lúc người dùng đang 'giải quyết nỗi buồn'.