Ngay cả việc chụp lại được hình ảnh này cũng là sự tình cờ mà thôi. Rốt cuộc, thảm họa đi qua, chỉ còn nỗi đau của người ở lại.
Thám hiểm và trải nghiệm - một khái niệm khá vô thưởng vô phạt nhưng luôn mang đến sự kích thích mỗi khi chúng ta nghe đến. Thực sự thì nhiều người trong số chúng ta luôn muốn có một cuộc sống ngập tràn những trải nghiệm, được làm mọi thứ mình thích mà chẳng cần phải lo nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra.
Tuy nhiên, đôi khi sự mạo hiểm ấy có thể đem đến những hệ quả đáng sợ, thậm chí là bi kịch, giống như những gì đã xảy ra vào năm 1970 tại Úc với cậu bé Keith Sapsford.
Năm ấy, cậu bé 14 tuổi đã khiến dư luận phải chấn động khi rơi khỏi chiếc máy bay của hãng hàng không Nhật Bản Japan Air flight, chỉ vài giây sau khi nó cất cánh. Điều đáng nói là rất nhiều người ở sân bay Sydney (Úc) đã phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy, từ lúc cơ thể nhỏ bé rơi ra ngoài cho đến khi cậu lìa đời.
Bi kịch tuổi nổi loạn
Keith Sapsford, giống như bao người khác, đã có một tuổi dậy thì đầy nổi loạn với đam mê thám hiểm khắp thế giới. Bố mẹ cậu chiều ý, luôn cố gắng đưa cậu đi du lịch trong khả năng cho phép, nhưng với cậu chưa bao giờ là đủ cả. Đến ngày 21/2/1970, Keith quyết định bỏ đi. Cậu rời khỏi nhà, tự mình làm một chuyến du lịch.
Keith chưa bao giờ thực sự quan tâm đến điểm đến, bởi cậu luôn muốn có cảm giác mạo hiểm, không biết định mệnh sẽ dắt lối mình đến những đâu. Cậu không mang theo đồng nào, cũng không có đủ giấy tờ để được phép đi du lịch một mình mà thiếu đi sự bảo trợ từ cha mẹ. Bởi vậy Keith hiểu rằng cách duy nhất để được đi máy bay là đi lén mà thôi.
Khám nghiệm hiện trường của các chuyên gia.
Và đó cũng chính xác là những gì cậu đã làm. Sau khi trốn được ra đường băng sân bay, cậu đã lén chui lên càng bánh xe của một chiếc máy bay chuẩn bị hướng đến Tokyo. Cậu trốn trong khoang vốn để thu lại bánh xe khi máy bay cất cánh. Tuy nhiên theo các chuyên gia, có vẻ cậu bé không biết rằng trong quá trình thu lại bánh xe, toàn bộ khoang này sẽ lại phải mở rộng tối đa.
Bi kịch cũng từ đây mà ra. Sau khi lên đến độ cao 60m, khoang chứa bật mở để thu lại bánh, còn Keith thì không kịp bám vào đâu cả. Cùng thời điểm ấy, nhiếp ảnh gia John Gilpin cũng đang có mặt để thực hiện một vài tấm hình về máy bay, và ông tình cờ thu lại được tấm hình đầy bi kịch đó.
Hành động quá nguy hiểm và nỗi đau của người ở lại
Việc trốn lên càng máy bay của Keith trên thực tế là hành động gần như không thể mang lại kết quả tốt được. Cơ quan điều tra cho biết, kể cả khi Keith không ngã ra khỏi khoang chứa bánh, cậu cũng sẽ khó lòng sống sót được, bởi khoang chứa ấy sẽ không có đủ oxy giúp cậu duy trì sự sống.
Ngoài ra, khoang chứa này không được thiết kế để chở con người, nên sẽ không có điều hoà nhiệt độ. Khi máy bay lên cao, nhiệt độ trong khoang sẽ xuống rất thấp, có thể khiến cậu chết cóng. Hoặc nếu không, cậu cũng có thể bị nghiền nát sau khi bánh xe thu lại ở mức tối đa.
Cùng thời điểm đó, cha mẹ Keith vẫn mải miết tìm con sau khi phát hiện cậu bé mất tích đã 2 ngày. Đến cuối hôm 21/2/1970, cảnh sát gọi điện thông báo cho họ về thảm kịch đã xảy ra. Đáng chú ý, cảnh sát ghi nhận rằng cha của Keith từng dặn đi dặn lại cậu bé về việc đừng bao giờ đi đâu mà không có kế hoạch cụ thể, vì nó rất nguy hiểm. Thậm chí cách đó 1 năm, ông còn từng kể cho Keith nghe câu chuyện về một cậu bé người Tây Ban Nha tử vong vì trốn trong khoang hành lý máy bay.
Chẳng ai ngờ, toàn bộ những lời căn dặn ấy lại là tiền đề cho một thảm kịch kỳ lạ nhất lịch sử hàng không.