Một nghiên cứu mới tại Úc phát hiện nuôi con bằng sữa mẹ để lại dấu vết lâu dài trên răng trẻ, theo tờ The Australian.
Đó là phát hiện của Giáo sư Christine Austin và các đồng nghiệp tại Trường đại học Sydney (Úc). Họ cho rằng khi trẻ tiêu thụ thức ăn có chất bari, hóa chất này sẽ xâm nhập vào răng trẻ, tạo ra những lớp bari trong men răng, tương tự như vân gỗ.
Những chiếc răng của trẻ cho biết nhiều điều thú vị - (Ảnh: Shutterstock)
Khi trẻ còn nằm trong bào thai, có rất ít bari được truyền qua nhau thai. Vì vậy, khi vẫn còn phát triển dưới nướu thì răng của trẻ sơ sinh hầu như không có dấu vết của chất bari.
Khi trẻ bắt đầu bú sữa mẹ, vốn có bari, chất hóa học này in dấu ấn thành những lớp bari trong men răng. Khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc, chất bari từ thực vật và thịt động vật ít hơn so với trong sữa mẹ, vì thế, dấu vết chất bari trong răng sẽ ít đi.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra giả thiết này trên răng khỉ và răng trẻ em rụng tự nhiên. Họ kết luận rằng, phân tích hàm lượng bari trong các lớp men răng là cách chính xác để xác định thời điểm trẻ bắt đầu được ăn thức ăn đặc và cai sữa.
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng kỹ thuật này trên răng của một trẻ Neanderthal 8 tuổi có niên đại cách nay khoảng 100.000 năm, được tìm thấy tại Bỉ.
Khi phân tích bari trong răng, họ kết luận trẻ này đã được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 7 tháng đầu tiên, được ăn thức ăn đặc vào lúc 14 tháng tuổi và đây cũng là lúc trẻ cai sữa mẹ hoàn toàn.