Thăm <i>“đại bản doanh”</i> nghiên cứu H5N1

Nằm ở vùng Bethesda, Maryland, viện Sức khoẻ quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health – NIH) không khác gì một thành phố thu nhỏ, có nhà cửa, siêu thị, bệnh xá, công viên… Nơi đây tập hợp những tinh hoa khoa học của Mỹ và nhiều nước trên thế giới đến nghiên cứu về sức khoẻ con người.

Thành phố của các nhà nghiên cứu

Từ trung tâm Washington D.C có thể đi metro (tàu điện ngầm) đến NIH. Sau 20 phút là có mặt ở trạm metro Medical Care, ngay rìa NIH. Tuy nhiên, để vào được bên trong thì không dễ, bạn phải để lực lượng bảo vệ kiểm tra túi xách, bước qua máy soi và trình thẻ ID (nếu là công dân Mỹ) hoặc hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) rồi mới được nhân viên cấp cho visitor pass (thẻ ra vào dành cho khách). Nếu bạn đi xe cá nhân, xe này được các khuyển quân và đội an ninh dùng thiết bị điện tử kiểm tra kỹ lưỡng để dò vũ khí hay chất hoá học.

NIH ra đời từ năm 1887, trên cơ sở một phòng thí nghiệm lẻ loi của bệnh viện Hải quân, nhưng sau 120 năm nó trở thành một trung tâm khoa học khổng lồ. NIH giờ toạ lạc trên diện tích hơn 300 mẫu, với hơn 18.000 nhân viên làm việc cho 27 viện và trung tâm nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực sức khoẻ từ các bệnh tim mạch, hô hấp, thần kinh, tâm thần, nhãn khoa, sức khoẻ trẻ em, bệnh ung thư, bệnh nhiễm trùng và dị ứng, cho đến nghiên cứu điếc/rối loạn thông tin và nghiên cứu nghiện rượu… Mỗi đơn vị như thế là một cao ốc bề thế, nằm rải rác và ngăn cách nhau bởi những công viên thơ mộng.

Đến NIH, bạn phải có địa chỉ làm việc rõ ràng. Chiếc xe buýt miễn phí chạy khắp NIH, thả khách xuống nơi cần đến, vì thế không có chuyện đi lung tung khắp nơi. Thật ra, muốn đi cũng chẳng được, vì diện tích NIH quá lớn, đi bộ không nổi, mà có ghé vào cao ốc nào cũng không vào được nếu không có đối tác làm việc xuống tận nơi xác nhận.

Ngân sách hàng năm của NIH là 28 tỉ USD, trong đó 10% ngân sách dành cho nghiên cứu tại chỗ và 85% cho những nghiên cứu bên ngoài hoặc liên kết với những đối tác khác. Vào năm 2007, có bảy nhà khoa học Việt Nam đến làm việc tại NIH. Và hiện nay còn hai nhà khoa học Việt Nam vẫn đang tham gia nghiên cứu tại NIH, chưa kể sáu người khác làm việc tại Việt Nam.

Đằng sau toà nhà này là hàng trăm nhà khoa học đang miệt mài nghiên cứu biện pháp phòng chống cúm A H5N1. (Ảnh: P.S)

“Lò luyện đan” chống cúm gia cầm

Chiều ngày 7.5, Katherine Wagenblass – nhân viên của trung tâm Nhà báo quốc tế (International Center for Journalists) hướng dẫn tôi và đồng nghiệp của báo Lao Động đến trung tâm Nghiên cứu bệnh nhiễm trùng và dị ứng (National Institute of Allergy and Infectious Diseases – NIAID). Đơn giản vì chúng tôi tìm hiểu về cúm gia cầm, mà nơi này lại là đầu não điều phối các hoạt động nghiên cứu cúm gia cầm khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Ông Karl A.Western, cố vấn khoa học cao cấp, cho biết NIAID ưu tiên nghiên cứu bệnh lao, sốt rét, HIV/AIDS, phòng thủ sinh học, vaccine. Nghiên cứu cúm gia cầm trực thuộc khoa bệnh nhiễm trùng và vi sinh học, có kinh phí nghiên cứu đến 135 triệu USD với 250 công trình nghiên cứu tại 60 quốc gia.

Cùng tiếp chúng tôi, bà tiến sĩ Polly R.Sager, kể về những chuyến làm việc hữu ích về cúm gia cầm tại Hà Nội, Hà Tây, Tiền Giang thời gian qua. Bà đang triển khai một công trình thú vị, đó là tìm hiểu về tình hình huyết thanh dương tính với virus H5N1 ở những người tiếp xúc với gia cầm. Một giả thiết đặt ra: có chăng sự xuất hiện kháng thể ở người tiếp xúc với nhũng dòng virus H5N1 ít độc tính. Nếu điều này được xác nhận, sau một thời gian, những người này có thể tự bảo vệ chống lại dòng H5N1 có độc tính mạnh hơn, không khác gì một hình thức “chủng ngừa tự nhiên”.

Công trình nghiên cứu của tiến sĩ Sager sẽ triển khai thời gian tới trên 12.000 người dân vùng nông thôn Hà Tây, Thừa Thiên – Huế, Tiền Giang. Sau hai năm nữa sẽ có kết quả. Theo tiến sĩ Sager, những đối tượng này được lấy máu nghiên cứu và người ta sẽ so sánh mẫu máu này với thói quen sống, tình trạng tiếp xúc với gia cầm… Từ đây, biết đâu y học tìm ra một loại thuốc ngừa hoặc điều trị bệnh cúm A H5N1 không khác gì huyết thanh kháng dại!

Ngoài công trình trên, NIAID còn nhiều nghiên cứu đa dạng về H5N1, chẳng hạn tìm hiểu sự phát triển và lây truyền của virus trên nhiều động vật khác nhau, nhận diện dấu hiệu của dòng H5N1 có độc tính mới, nghiên cứu vaccine ngừa cúm A H5N1 cho người… Tiến sĩ David Cho, người chủ trì mạng lưới nghiên cứu lâm sàng bệnh cúm ở vùng Đông Nam Á, đánh giá tốt sự hợp tác của các nhà khoa học Việt Nam với NIAID. Ông nhắc đến đầy trân trọng những cái tên quen thuộc trên mặt trận phòng dịch như GS Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Đức Hiển (phía Bắc), Trần Tịnh Hiền, Trương Hữu Khanh, Võ Công Đồng (phía Nam)…

Phan Sơn (từ Washington DC, Hoa Kỳ, Sài Gòn tiếp thị)

Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video