Chất lượng không khí tồi tệ và bầu trời màu cam khói ở bờ Đông nước Mỹ tuần qua đã khiến một số người suy đoán rằng cách mọi người nghĩ về biến đổi khí hậu sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, vẫn sẽ có những người không khỏi nghi ngờ vào sự thay đổi này. Nghiên cứu tâm lý nói gì về điều đó?
Vào những năm 1500, nghệ sĩ Pieter Bruegel the Elder đã vẽ một bức tranh về sự thờ ơ của con người đối với những đau khổ ở cách xa họ, theo BBC.
Thay đổi thái độ con người?
Được gọi tên là “Landscape with the Fall of Icarus”, một bản sao của tác phẩm đang được trưng bày ở Brussels (Bỉ) cho thấy một người nông dân đang cày ruộng trên nền biển xanh phía xa. Chỉ khi quan sát kỹ bức tranh, người ta mới có thể nhận thấy Icarus đang chìm xuống biển, chỉ còn đôi chân chấp chới trên mặt nước.
Bức tranh “Landscape with the Fall of Icarus” của nghệ sĩ Pieter Bruegel the Elder, mô tả ảnh hưởng của khoảng cách tâm lý. (Ảnh: Wikimedia Commons).
Cách đây hơn một thập kỷ, các nhà tâm lý học Nira Liberman và Yaacov Trope đã dùng bức tranh của Bruegel để đưa ra một ý tưởng trên tạp chí Science, mô tả cách thời gian và khoảng cách hình thành thái độ của con người - và cụ thể là sự đồng cảm của họ đối với người khác.
Hai vị chuyên gia gọi đó là “lý thuyết mức độ hiểu biết”. Họ lập luận rằng người nông dân thờ ơ với hoàn cảnh của Icarus vì ông ta ở rất xa. Khoảng cách địa lý kéo theo khoảng cách tâm lý.
Ý tưởng đó gợi lên một mối liên hệ đặc biệt trong tuần qua khi bờ biển phía đông của Bắc Mỹ hứng chịu tình trạng chất lượng không khí tồi tệ chưa từng thấy trong những năm gần đây và bầu trời tối tăm do cháy rừng ở mức độ lớn bất thường ở Canada.
Một số người trên mạng xã hội - trong đó không ít là dân California đã phải đối mặt với những tác động tương tự từ lâu - suy đoán rằng tình trạng ô nhiễm có thể làm trầm trọng thêm thực tế biến đổi khí hậu đối với nhiều nơi ở bờ Đông. Họ tự hỏi "liệu điều này có thể làm thay đổi suy nghĩ không vì những tác động đã tới sát sườn?”. Những người khác hướng sự quan tâm vào biểu tượng của tòa nhà Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, bị khói mù bủa vây.
Hình ảnh New York nghẹt thở trong làn khói mù mịt tuần qua khiến cả nước Mỹ và thế giới sửng sốt. (Ảnh: New York Times, AP, Reuters).
Liệu các tác động khí hậu “tới gần” về thời gian và không gian như vậy có làm thay đổi thái độ của con người đối với việc giảm thiểu và thích ứng không?
Theo lý thuyết mức độ tri nhận (construal level theory) trong tâm lý học, về nguyên tắc, nhận thức và sự sẵn sàng hành động của mọi người đối với biến đổi khí hậu sẽ bị ảnh hưởng bởi mức độ gần gũi về mặt tâm lý mà họ cảm nhận được về tác động của nó. Nếu trước đây, họ tin rằng biến đổi khí hậu chủ yếu là do các tảng băng tan chảy, khô hạn ở các nước đang phát triển hoặc các đảo quốc đang biến mất - và tất cả đều ở rất xa về không gian và thời gian - thì mối quan tâm của họ sẽ thấp hơn. Vào năm 2011, một nhà tâm lý học đã gọi khoảng cách tâm lý là một trong những “con rồng nằm im” trong câu chuyện ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Tác động của sự gần gũi địa lý
Theo các nhà tâm lý học, không nhất thiết phải phán xét hành vi đó có nhẫn tâm không. Trong tranh của Bruegel, người nông dân có nhiều nhu cầu và ưu tiên trước mắt hơn - có thể anh ta phải lo nuôi sống gia đình mình - nên khó có thể để ý và đồng cảm với nỗi đau khổ của Icarus ở ngoài khơi xa. Vòng quan tâm của mọi người thường hướng vào nơi ở gần hơn, có nghĩa là họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến một người gần nhà hơn là ở phía xa xôi của thế giới.
Tuy nhiên, khi xem xét các tài liệu được ghi nhận cho đến năm 2020, nhà tâm lý học Roberta Maiella - của Đại học G. d’Annunzio của tỉnh Chieti-Pescara ở Italy - và các đồng nghiệp nhận thấy rằng thực tế phức tạp và nhiều sắc thái hơn so với những nhận biết ban đầu.
Thực sự có bằng chứng cho thấy, sự gần gũi về khoảng cách địa lý với các tác động khí hậu ảnh hưởng đến quan điểm của mọi người. Ví dụ, vào năm 2011, nhà nghiên cứu Alexa Spence của Đại học Nottingham và các đồng nghiệp đã khảo sát cư dân Vương quốc Anh phải đối mặt với lũ lụt ven biển và nhận thấy rằng họ cảm nhận được tình trạng khí hậu bấp bênh rõ nét hơn và sẵn sàng hạn chế sử dụng năng lượng hơn.
Và một nghiên cứu khác với những người tham gia ở 24 quốc gia cho thấy những ai có trải nghiệm cá nhân về biến đổi khí hậu có nhiều khả năng thực hiện những hành động thiết thực như sử dụng ít điều hòa hơn vào mùa hè.
Tuy nhiên, không phải tất cả nghiên cứu đều xác nhận mối tương quan này ở mức cao và các phương pháp nghiên cứu tác động cũng khác nhau. Trong một nghiên cứu, những người tham gia ở Mỹ được trình bày về tác động của biến đổi khí hậu ở Maldives, các nhà nghiên cứu đã dùng nhiều cách nhằm giảm khoảng cách tâm lý của họ và khiến quốc đảo xa xôi gần gũi hơn. Điều đó bao gồm yêu cầu người tham gia nghiên cứu theo dõi khoảng cách từ Ithaca ở New York đến Maldives trên bản đồ và xem video về mức độ ảnh hưởng của mực nước biển dâng đối với người dân Maldives.
Kết quả là họ nhận thấy Maldives gần hơn về mặt không gian, nhưng điều quan trọng là điều này không chuyển thành sự gia tăng ủng hộ cho các chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Quan điểm chính trị trước đó của mỗi người cũng có thể liên quan. Một nghiên cứu năm 2020 về phản ứng của người dân California đối với các vụ cháy rừng gần đó cho thấy rằng việc tiếp xúc gần với thiệt hại đã thúc đẩy sự ủng hộ đối với các chính sách vì môi trường ở các khu vực thuộc đảng Dân chủ, chứ không phải các chính sách của đảng Cộng hòa.
Phức tạp
Vậy việc chất lượng không khí tồi tệ chưa từng thấy và bầu trời tối tăm ở thành phố New York và các thành phố ven biển phía đông khác trong tuần qua có ảnh hưởng đến thái độ của người dân ở đó không? Có lẽ nó chỉ tác động tới một số người - nhưng rõ ràng có những tác động khác đang diễn ra gây ảnh hưởng đến niềm tin.
Đường chân trời của thành phố New York, gồm nhiều tòa nhà cao tầng, bị bao phủ trong khói bụi từ hàng trăm vụ hỏa hoạn tại Canada.
Dường như có nhiều cách để giảm thiểu khoảng cách tâm lý đối với biến đổi khí hậu thông qua giao tiếp hiệu quả. Ví dụ, có một biện pháp nổi tiếng mà các tổ chức từ thiện thường sử dụng được gọi là “hiệu ứng nạn nhân có thể nhận dạng được”. Khi mọi người nhìn thấy một cá nhân đang đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu, điều này có thể thúc đẩy sự đồng cảm lớn hơn.
Trong một nghiên cứu của các nhà tâm lý học Sabine Pahl tại Đại học Plymouth và Judith Bauer tại Đại học Erlangen ở Đức, người tham gia được kể một câu chuyện chi tiết về một phụ nữ sống trong tương lai đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu. Hai chuyên gia này nói với họ về việc người phụ nữ bị bỏng da khi ở ngoài ánh nắng hoặc bị phát ban sau khi bơi ở vùng biển bị ô nhiễm. So với những người được cung cấp thông tin “tập trung vào thực tế” hơn về sự nóng lên trong tương lai, những người nghe câu chuyện của người phụ nữ có nhiều khả năng dành thời gian đọc về biến đổi khí hậu sau đó.
Tóm lại, khoảng cách tâm lý không chỉ được hình thành bởi địa lý đơn thuần. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy rằng khi biến đổi khí hậu đến với các khu vực lân cận của mọi người, nó có khả năng ảnh hưởng đến những người chứng kiến nó.