Nghiên cứu mới cho thấy việc che phủ mặt tiền của tòa nhà bằng thực vật có thể giảm hơn 30% lượng nhiệt thất thoát qua cấu trúc của nó.
Nghiên cứu được Đại học Plymouth của Anh thực hiện tại Trung tâm Bền vững - một tòa nhà có từ trước những năm 1970 trong khuôn viên trường. Tại mặt tiền quay về hướng tây, các nhà khoa học đã chọn hai bức tường ở cùng độ cao, trong đó một bức được trang bị thêm lớp phủ sinh học bên ngoài, bao gồm hệ thống vải nỉ linh hoạt với các túi chứa đất cho phép trồng cây, sau đó so sánh hiệu quả giữ nhiệt của nó với bức tường còn lại.
Sau 5 tuần đo đạc, nhóm nghiên cứu nhận thấy lượng nhiệt thất thoát qua "bức tường thực vật" thấp hơn tới 31,4% so với cấu trúc ban đầu. Họ cũng phát hiện nhiệt độ ban ngày trong khu vực có cây che phủ ổn định hơn, có nghĩa là cần ít năng lượng hơn để làm nóng nó.
Bức tường phủ kín thực vật của tòa nhà Trung tâm Bền vững. (Ảnh: Đại học Plymouth)
Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên xác định ảnh hưởng nhiệt của tường thực vật đối với các tòa nhà hiện có ở Anh. Viết trên tạp chí Xây dựng và Môi trường, tác giả chính Matthew Fox nhấn mạnh rằng mặc dù khái niệm này còn tương đối mới, nó đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích.
"Ở Anh, khoảng 57% tòa nhà được xây dựng trước năm 1964. Trong khi các quy định gần đây đã thay đổi nhiều hơn để cải thiện hiệu suất nhiệt của những công trình xây dựng mới, thì chính các tòa nhà hiện tại của Anh lại đòi hỏi nhiều năng lượng nhất để sưởi ấm và là một yếu tố góp phần đáng kể vào việc phát thải carbon. Do đó, chúng ta phải cải thiện hiệu suất nhiệt của các tòa nhà hiện nay nếu muốn đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và giảm tiêu thụ nhiên liệu trong bối cảnh giá năng lượng gia tăng", Matthew cho biết.
Đại học Plymouth nổi tiếng với các nghiên cứu về công nghệ xây dựng bền vững. Trường đã nhận được hỗ trợ trị giá 2,6 triệu USD từ Quỹ Phát triển Khu vực Châu Âu (ERDF) để khám phá các giải pháp carbon thấp.
"Với dân số đô thị ngày càng tăng, "cơ sở hạ tầng xanh" dựa vào thiên nhiên là một giải pháp tiềm năng trong việc chống biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và mất đa dạng sinh học, đồng thời tạo điều kiện để tăng trưởng kinh tế carbon thấp. Các bức tường sinh học không chỉ tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải carbon, mà còn giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn và nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để tối ưu hơn nữa các hệ thống tường xanh để tối đa hóa lợi ích môi trường và giảm một số chi phí về tính bền vững", Tiến sĩ Thomas Murphy, đồng tác giả của nghiên cứu, nói thêm.