Reuters dẫn thông tin từ các quan chức Ukraine cho biết hôm 25/2/2022, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và khu vực xung quanh của nó đang cho thấy mức độ bức xạ tăng lên sau các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Ukraine và Nga trong khu vực.
Một ngày sau khi địa điểm này bị lực lượng quân đội Nga chiếm giữ, các nhà khoa học và chuyên gia môi trường đã lên tiếng cảnh báo về thảm họa sinh thái tiềm ẩn có thể xảy ra.
Dữ liệu trực tuyến từ hệ thống giám sát bức xạ tự động của Cơ quan Thanh tra Quản lý Hạt nhân Nhà nước Ukraine cho biết: "Bức xạ gamma đã tăng gấp 20 lần so với mức bình thường tại nhiều điểm quan sát".
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. (Ảnh: Nomadsoulphotos via Canva)
Điều quan trọng nhất, theo các quan chức Ukraine cho hay, bụi phóng xạ bay lên do hoạt động quân sự (cụ thể là do sự di chuyển của các thiết bị quân sự hạng nặng trong khu vực) làm khuấy động đất vẫn bị ô nhiễm từ thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử năm 1986 [Thảm hoạ Chernobyl] chứ không phải do vỡ lò phản ứng, Euronews thông tin.
Wim Zwijnenburg, Trưởng dự án Giải trừ Quân bị Nhân đạo của tổ chức hòa bình PAX của Hà Lan cho biết: "Bụi và đất có khả năng là một trong những yếu tố gây ra mức độ bức xạ cao hơn so với bình thường".
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết họ đang theo dõi tình hình ở Ukraine "với sự lo ngại nghiêm trọng", nhưng lưu ý rằng không có báo cáo về sự phá hủy tại khu vực nhà máy hạt nhân Chernobyl.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết: "Điều quan trọng là hoạt động an toàn và bảo mật của các cơ sở hạt nhân trong Vùng 30 km* không bị ảnh hưởng hoặc gián đoạn theo bất kỳ cách nào".
*Vùng 30 km còn được gọi là Vùng cấm Chernobyl là Khu vực nhà máy điện hạt nhân Chornobyl và vùng lận cận. Vùng này được Lực lượng vũ trang Liên Xô thành lập ngay sau thảm họa năm 1986, là một khu vực bán kính 30 km tính từ Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl được chỉ định để sơ tán vì đây là nơi ô nhiễm phóng xạ cao nhất.
Các tòa nhà bị bỏ hoang trong vùng lân cận của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. (Ảnh chụp năm 2019. Nguồn: Natalia Liubchenkova / Euronews)
Chiều ngày 25/2/2022, IAEA đã đưa ra một tuyên bố cập nhật cho biết mức độ bức xạ tăng lên không phải là nguyên nhân đáng lo ngại ngay bây giờ.
IAEA đánh giá rằng các chỉ số được cơ quan quản lý báo cáo - lên đến 9,46 microSieverts mỗi giờ - là thấp và vẫn nằm trong phạm vi hoạt động được đo trong Vùng 30 km kể từ khi nó được thành lập và do đó không gây nguy hiểm cho công chúng.
Hiện tại, có một mái che bên trên nhà máy được xây dựng để ngăn chặn việc thải ra hàng trăm tấn chất phóng xạ.
Theo Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD), công trình này đã được nâng cấp vào năm 2016 và được cho là có thể "chịu được một cơn lốc xoáy" và tồn tại ít nhất 100 năm.
Chuyên gia môi trường lo ngại
Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường vẫn lên tiếng cảnh báo rằng, rủi ro hiện hữu đó là chất thải hạt nhân vẫn được lưu giữ trong khu vực. Những bãi thải này chứa chất phóng xạ và có một số điểm nóng bên trong khu vực.
Bởi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl là một trong những nơi có nhiều chất phóng xạ nhất trên thế giới, nhiều phần của Vùng 30 km đã bị đóng cửa kể từ sau sự cố thảm khốc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Trong năm 1986 đó, hai vụ nổ khổng lồ bên trong lò phản ứng của nhà máy đã làm bật chiếc nắp nặng 2.000 tấn của nó như một đồng xu, phủ trắng khu vực rộng 2.600 km vuông xung quanh với bụi phóng xạ và mảnh vỡ của lò phản ứng.
Vào ngày 2 tháng 5 năm 1986, Liên Xô chính thức tuyên bố ranh giới một khu vực xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và gọi nó là Khu vực Cấm Chernobyl. Khu vực này bao gồm một diện tích khoảng 2.700 km vuông, bán kính 30 km tính từ nhà máy.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, khu vực này được coi là vùng ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng nhất và bị cấm không cho bất cứ ai, trừ các quan chức chính phủ và các nhà khoa học, tiếp cận.
Sau khi sơ tán, lò phản ứng đã bị phong tỏa và khu vực này được coi là không thể ở của con người trong 24.000 năm tới.
Những gì còn lại của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau vụ nổ. (Ảnh: AP).
Các chuyên gia môi trường cho rằng giao tranh gay gắt xung quanh nhà máy Chernobyl vào ngày 24/2 dẫn đến lo ngại rằng bom đạn lạc có thể vô tình xuyên thủng hai lớp bảo vệ của lò phản ứng đã nổ và giải phóng chất phóng xạ chết người đang bị giam bên trong.
Claire Corkhill, một giáo sư về sự suy thoái vật liệu hạt nhân tại Đại học Sheffield ở Anh, đã viết trên Twitter rằng bức xạ gamma xung quanh nhà máy Chernoybl "có vẻ đã tăng khoảng 20 lần so với vài ngày trước." Tuy nhiên, cần thận trọng "không nên diễn giải quá mức trong giai đoạn này".
Giáo sư Corkhill cho biết nhiên liệu có tính phóng xạ cao bên trong lò phản ứng Chernobyl được chôn sâu bên dưới nhà máy và khó có thể được giải phóng trừ khi lò phản ứng bị nhắm thành mục tiêu tấn công trực tiếp.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl là nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, sau khi một lò phản ứng phát nổ và phát tán chất thải phóng xạ khắp châu Âu vào tháng 4/1986.
Trong những năm gần đây, địa điểm này đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, cũng như kể một câu chuyện thành công ngoài mong đợi về môi trường khi các loài sinh vật khác nhau bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong khu vực.
Tại sao vùng 30km lại quan trọng với các nhà sinh thái học?
Euronews Green đã nói chuyện với Giáo sư Nick Beresford, một nhà phóng xạ học tại Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh (UKCEH). Ông giải thích về lịch sử môi trường của khu vực và điều mà các nhà khoa học quan tâm hiện nay là khu vực này đang bị chiếm giữ.
"Sau thảm họa hạt nhân năm 1986, một khu vực rộng đến 5000 km2 xung quanh nhà máy hạt nhân đã bị bỏ hoang. Vào năm 2016, Vùng cấm Chernobyl của Ukraina được chỉ định là Khu Dự trữ Sinh quyển Sinh thái, khi kết hợp với Khu Bảo tồn Sinh thái học phóng xạ Polesie rộng 2160 km2 (được thành lập tại Belarus vào năm 1988), đã trở thành khu bảo tồn thiên nhiên lớn thứ ba của lục địa châu Âu.
Vùng cấm Chernobyl, được chụp vào năm 2019. (Ảnh: Nataliia Liubchenkova / Euronews)
Sự vắng mặt của hoạt động của con người đã chứng kiến sự gia tăng số lượng của nhiều loài bao gồm linh miêu Á-Âu, chó sói, gấu nâu và chim ăn thịt. Đây là khu vực hoang dã rộng lớn duy nhất mà tất cả các loài ăn thịt lớn ở châu Âu còn tồn tại tương tác với một loạt các loài động vật ăn cỏ lớn và động vật truyền giống.
Do đó, khu vực này mang đến cho chúng tôi cơ hội nghiên cứu một thí nghiệm có thể cung cấp kiến thức quan trọng khi nhân loại cố gắng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và các cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học.
Vùng 30 km có một số hệ sinh thái bị ô nhiễm phóng xạ mạnh nhất trên Trái Đất và đã trở thành một phòng thí nghiệm tự nhiên quan trọng cho phép chúng tôi nghiên cứu tác động của bức xạ đối với động vật hoang dã. Các nghiên cứu không còn diễn ra ở đó nữa và chúng tôi không biết khi nào có thể tiếp tục các nghiên cứu này. Điều này ảnh hưởng đến khả năng của chúng tôi trong việc cung cấp khoa học làm nền tảng cho việc điều chỉnh việc sử dụng bức xạ từ y học đến năng lượng hạt nhân" - Giáo sư Nick Beresford nói.