Sự cố vỡ bể chứa ở Cao Bằng khiến hàng trăm nghìn m3 nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường, chảy xuống sông Gâm, vậy người dân sử dụng nguồn nước này bị ảnh hưởng ra sao?
Trả lời PV, PGS.TS Trần Hồng Côn, cán bộ khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, chì là kim loại mềm, màu xám nhạt, có trong thiên nhiên dưới dạng quặng như sunfua chì (galen). Chì nóng chảy ở 327 độ C, sôi ở 1.515 độ C, nhưng ở khoảng 550-600 độ C, chì đã bay hơi và khi tiếp xúc với không khí hơi biến thành oxit chì, rất độc. Chì và các hợp chất của chúng đều rất độc, càng dễ hoà tan bao nhiêu, càng độc bấy nhiêu. Mức độ nguy hiểm của chì tùy thuộc vào các dạng tồn tại của chúng.
Riêng về sự cố xảy ra tại Cao Bằng, PGS Trần Hồng Côn nhận định: "Nếu là công ty khai thác quặng khoáng thì không đáng lo ngại bởi lúc này chì ở dạng sunfua chì. Dạng này không tan trong nước nên khả năng làm ô nhiễm nước khó xảy ra. Tuy nhiên sẽ nguy hiểm nếu người ta sử dụng thêm các hóa chất khác để làm thành tinh quặng chì có hàm lượng cao hơn, tùy thuộc đó là hóa chất gì và thời gian để lâu bao nhiêu theo công nghệ riêng. Nếu chỉ là nước và bùn sunfua thì kẽm đó ra ngoài hầu như không ảnh hưởng đến nồng độ chì có trong nước".
Lượng lớn bùn thải chì tràn ra sông sau sự cố vỡ bể chứa ở Cao Bằng. (Ảnh:TTXVN).
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng về lâu dài, những bùn đất di chuyển đi nhiều nơi sẽ làm tích lũy dần trong đất và bùn làm cho lượng chì dưới dạng sunfua sẽ cao. Lúc này, chúng sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến các động vật ăn đáy như ốc, trai, hến, sò, những con giun dưới đáy. Sau đó, qua chuỗi thức ăn chúng sẽ tác động đến con người. Ngoài ra, qua quá trình biến đổi dưới đất, không khí, chúng cũng có khả năng chuyển hóa thành dạng dễ hòa tan và gây tác động tới sức khỏe. Đó là tác động lâu dài, không phải ngay lập tức gây nhiễm độc cơ thể. Do đó cần phải theo dõi để xem sự tác động đến mức độ nào.
Khi nào chì đặc biệt nguy hiểm?
PGS Trần Hồng Côn khuyến cáo, chì nếu tồn tại dưới dạng hòa tan rất nguy hiểm bởi chúng đi vào trong nước, người ăn phải sẽ nhiễm độc. Còn chì sunfua là khoáng trong tự nhiên, thậm chí mưa gió cũng không làm tan, ít độc hơn nhiều.
Các dạng chì hòa tan chủ yếu được sử dụng trong nhà máy sản xuất hóa chất, đặc biệt sản xuất kíp nổ, các nhà máy quân sự. Trong sinh hoạt, oxit chì từng được sử dụng rất nhiều trong thuốc cam dành cho trẻ em. Khi ăn vào dạ dày sẽ tan gây nhiễm độc.
"Chì là kim loại nặng rất độc, nhất là ở khả năng tích lũy đặc biệt trong xương rất cao. Chúng làm mất khả năng sản sinh hồng cầu làm thiếu máu, xanh xao, vàng vọt và tử vong.
Về nhiễm độc cấp tính, chúng làm vô niệu, phá hoại thận, gan, gây tử vong. Nhiễm độc chì trước mắt có thể chưa nguy hiểm mà tác động về lâu dài", PGS Côn cho hay.
Hiện nay ở Việt Nam, nhiễm độc chì được xếp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Bệnh do chì và các hợp chất của chì được phát hiện ở người lao động làm việc ở nhiều môi trường có hơi và bụi chì ở nồng độ cao quá giới hạn cho phép (trên 0,00001 mg/l).
Cách khắc phục sự cố vỡ bể chứa
Về điều này, PGS Côn cho hay, cách khắc phục hiện nay sau sự cố vỡ bể chứa chất thải chì ở Cao Bằng chủ yếu là phương pháp cơ học.
"Chì sunfua bị tràn ra sẽ lắng xuống đáy và không thể theo dòng chảy đi xa vì rất nặng. Tuy nhiên, cần kiểm tra xem bể chứa có các hóa chất sau tuyển hay không, tùy thuộc vào quy trình riêng của cơ sở sản xuất để đánh giá mức độ tác động của chúng. Khi vừa xảy ra sự cố này, tốt nhất là người dân tránh không sử dụng nguồn nước xung quanh, nhưng cũng không quá lo lắng bởi nếu chỉ có sunfua chì thì không đáng ngại bởi chúng không tan trong nước, có thể dùng máy hút sạch", PGS Côn cho biết thêm.