Sơn nhiễm chì, thủy ngân hủy hại sức khỏe bạn thế nào?

Tiếp xúc nhiều với sơn nhiễm chì, thủy ngân thời gian dài sẽ dẫn đến đau đầu, chóng mặt, lên cơn hen, ảnh hưởng tới hệ thần kinh.

Từ ngày sơn sửa lại bàn ghế, cửa sắt và cầu thang, cả tháng nay, chị Thư ở Linh Đàm, Hà Nội thường xuyên có cảm giác chóng mặt, buồn nôn. Trong khi đó, con gái chị, bé Linh An, 3 tuổi liên tục bị bệnh đường hô hấp trên. Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, mẹ con chị Thư được chẩn đoán nhiễm chì loại nhẹ.

Chị Thư cho biết: "Vì muốn tiết kiệm tiền nên tôi chọn loại sơn không nhãn mác, vì nghĩ sơn nào cũng giống nhau, miễn là thay "áo mới" cho căn nhà. Không ngờ sơn nhiễm chì, thủy ngân ảnh hưởng tới sức khỏe như vậy".

Theo các bác sĩ, nhiều sản phẩm sơn, đặc biệt là các loại sơn dành cho gỗ, bê tông, kim loại, khung cửa đều chứa hàm lượng chì và thủy ngân rất cao, nên có thể bị nhiễm độc khi sống trong ngôi nhà được sơn bằng sản phẩm có sử dụng chì và thủy ngân. Đối tượng dễ bị nhiễm độc nhất trong gia đình chính là trẻ em, nếu hít phải bụi sơn; đút tay hoặc nhặt bất cứ thứ gì có dính bụi sơn đưa vào miệng. Ở trẻ, nhiễm độc chì và thủy ngân gây tác hại nghiêm trọng hơn, vì hệ thần kinh của trẻ rất nhạy cảm.

Những chất độc này gây ảnh hưởng tới não, hệ thần kinh và khả năng tiếp thu. Theo đó, nồng độ chì có thể khiến trẻ giảm trí thông minh, phát triển chậm về thể chất, có các bất thường về hành vi và tổn thương thính lực. Ở nồng độ cao, trẻ có thể hôn mê, co giật và tử vong.

Thủy ngân xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và da. Chất này gây cảm giác rát cho da và mắt khi tiếp xúc. Nếu hít phải hơi thủy ngân dễ dẫn đến những cơn ho, đau tức ngực, có cảm giác đau rát ở phổi và gây khó thở. Tiếp xúc với thủy ngân thường xuyên sẽ có nguy cơ bị nhiễm độc. Triệu chứng thường nhận thấy là tay chân bị run, giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung, mờ mắt và suy giảm chức năng thận.


Tiếp xúc nhiều với sơn nhiễm chì còn có thể khiến con người bị ngộ độc chì.

Ngoài ra, việc tiếp xúc nhiều với sơn nhiễm chì còn có thể khiến con người bị ngộ độc chì. Dấu hiệu ngộ độc chì thường xuất hiện rất âm thầm, chỉ khi nào lượng tích tụ lớn, bệnh mới rõ rệt, nhưng triệu chứng khó phát hiện. Ở trẻ em, tình trạng nhiễm độc chì cấp tính khiến bệnh nhân trở nên cáu kỉnh, kém tập trung, ói mửa, dáng đi không vững, lên cơn kinh phong.

Trường hợp mạn tính, các em có dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ, hay gây gỗ, lên kinh thường xuyên, đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, đôi khi có thể tử vong. Một số em có thể bị nhiễm chì ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ hoặc bú sữa mẹ có hàm lượng chì cao. Người lớn ngộ độc chì thường đau tê ở đầu ngón chân, tay; bắp thịt mỏi yếu; nhức đầu, đau bụng, tăng huyết áp, thiếu máu, giảm trí nhớ, thay đổi tâm trạng, sảy thai, tinh trùng kém... Lâu ngày, bệnh sẽ khó chữa khỏi.

Việc hít phải các chất hữu cơ dễ bay hơi trong sơn kém chất lượng cũng có thể kích thích mắt, mũi, họng làm bệnh hen và xoang tiến triển theo chiều hướng xấu. Nguyên nhân do hầu hết dung môi được hít vào phổi sẽ vào máu và có thể gây đau đầu, nôn mửa. Ngoài ra, nếu thường xuyên hít thở nhiều chất này, hệ thống phòng vệ của đường hô hấp bị quá tải, gây tổn thương đường hô hấp trên. Nếu tổn thương ấy kéo dài, niêm mạc sẽ dày lên và lỗ mũi ở tầng dưới bị hẹp lại, nước mũi cũng bị tiết ra nhiều hơn gây trở ngại cho chức năng hô hấp.

Hiện nay, thị trường vẫn còn xuất hiện nhiều loại sơn chứa chì và thủy ngân, đa phần là những loại chưa có thương hiệu. Bà Văn Minh Hoa, Tổng thư ký Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết: "Nhiều gia đình thường vì tiết kiệm chi phí nên khi sửa chữa nhà cửa, đồ đạc hay sử dụng các loại sơn rẻ tiền, không đảm bảo chất lượng. Các loại sơn này thường chứa chì, thủy ngân trong kỹ thuật pha chế màu, gây nguy hại tới con người". Theo bà Hoa, việc lựa chọn sơn chất lượng cao và an toàn rất quan trọng, bên cạnh yếu tố sản phẩm phải bền - đẹp - giá tốt để đảm bảo sức khỏe cho mọi thành viên gia đình.

Để hạn chế nguy cơ nhiễm độc chì, thủy ngân, các thành viên trong gia đình nên rửa tay trước khi ăn và đi ngủ, đặc biệt là với trẻ em chơi dưới đất; thường xuyên lau sạch sàn nhà, bàn ghế bằng khăn ướt. Không cho con trẻ chơi gần trục lộ giao thông, cầu cống. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều sắt và canxi để giảm thiểu sự hấp thụ của chì từ dạ dày vào máu. Nếu trong nhà có hệ thống ống dẫn nước bằng chì, nên để nước chảy tự do 30-60 giây trước khi dùng để loại các vẩn chì. Nếu lấy nước ăn từ ống, nên lấy nước lạnh vì nước nóng hấp thụ chì nhiều hơn.

Bên cạnh đó, phụ huynh không đặt đặt nhiệt kế trên bàn, kệ trong tầm nhìn, tầm tay của trẻ, tránh cho các con nuốt phải thủy ngân. Ngoài ra, mua các vật dụng gia đình như đồ pha lê, đồ gốm hoặc đồ chơi cho bé, phụ huynh cần tìm nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo không chứa hai chất độc hại trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, bố mẹ nên sử dụng sơn không sử dụng chì và thủy ngân để có môi trường sống an toàn cho trẻ.

Cập nhật: 07/11/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video