Cá biển chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung

Dải bờ biển chạy qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đều ghi nhận cá biển chết hàng loạt, trong đó có nhiều loài sống xa bờ, ở tầng sâu, trọng lượng tới 35-50kg.

Vài ngày nay, ngư dân xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) phát hiện nhiều loại cá như chình, đuối, vẩu... chết ngập cả bãi biển. Vốn là ngư dân có nhiều năm kinh nghiệm, ông Nguyễn Xuân Thảo (57 tuổi, thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) không thể nào lý giải được hiện tượng này. Nhiều loài sinh sống ở đáy biển và rất khó đánh bắt, nay cũng chết dạt bờ.


Nhiều loài cá được người dân nuôi ở hồ nuôi ven biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) chết trắng, dạt bờ. (Ảnh: Đắc Đức).

"Từ nhỏ đến giờ, chưa lần nào tôi thấy cá biển chết một cách kỳ lạ như vậy. Người dân ai cũng hiếu kỳ, muốn biết rõ nguyên nhân lắm", ông Thảo nói và cho hay nhiều ngư dân đã chấp nhận phơi thuyền, không vươn khơi nhiều ngày nay vì những chuyến đi biển giờ không còn nhiều cá để bắt.

Hộ ông Nguyễn Văn Tạo (thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh) cùng một số hộ dân có lồng cá, hồ nuôi nằm sát cửa biển Lạch Giang cũng ghi nhận hiện tượng cá chết trắng hồ, bốc mùi hôi. "Hai hôm trước khi thủy triều dâng, nước biển tràn qua nhiều hồ nuôi. Đến khi thủy triều rút đi thì nhiều loài cá trong hồ và ở các sông cũng chết dần, nổi lềnh bềnh", ông Tạo nói.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, tình trạng cá chết xảy ra từ ngày 14 đến 18/4, nằm rải rác trên bờ biển trải dài gần 20km do xã quản lý. Trong số cá chết do dân gom nhặt, có nhiều loài sống cách xa bờ.

"Đây là hiện tượng rất kỳ lạ, từ trước đến nay tại địa phương chưa hề có. Có hôm, người dân nhặt được con cá vẩu biển nặng đến 35kg", ông Minh nói và cho hay khi cá chết nhiều, chính quyền đã khuyến cáo người dân không bơm nước từ biển vào hồ nuôi, không ăn cá chết để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.


Ngư dân Nguyễn Xuân Thảo (xã Lộc Vĩnh) cho hay, sau khi xuất hiện cá chết, nhiều hộ dân đã phơi thuyền, không ra khơi đánh cá. (Ảnh: Đắc Đức).

Trong khi đó, ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) cho hay, không chỉ cá biển dạt bờ mà nhiều diện tích nuôi cá lồng của người dân ở Dốc Giềnh, thôn An Cư Đông (khu vực cửa biển Lăng Cô) cũng ghi nhận tình trạng cá chết. Gần 5 tấn cá của hơn 100 hộ dân nuôi nhiều giống như: hồng, mú, vẩu... đã chết, gây thiệt hại gần một tỷ đồng.

Theo ông Giảng, không loại trừ khả năng nước biển bị ô nhiễm nặng là nguyên nhân làm cho một lượng lớn cá chết trôi dạt vào bờ trên diện tích gần 21km đường bờ biển tại Lăng Cô.

"Bước đầu, kết quả kiểm tra của ngành chức năng địa phương ghi nhận độ pH trong nước biển tăng cao, trong khi hàm lượng ôxy lại thấp, dẫn đến tình trạng thiếu hụt ôxy. Đây được cho là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết", ông Giảng thông tin.

Ông Bạch Văn Khai, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Lộc, cho biết đã lấy mẫu nước gửi Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế để kiểm nghiệm. "Riêng nồng độ pH tăng đột biến từ 7,5 lên 8,5", ông Khai nói và cho biết vẫn đang đợi kết luận chính xác từ đơn vị chức năng để thông báo cho người dân an tâm.


Một con cá vẩu trọng lượng lên đến 35kg chết dạt vào bờ biển xã Lộc Vĩnh vào ngày 18/4. (Ảnh: Lê Minh).

Hiện tượng cá chết lần đầu tiên được ghi nhận ở các lồng bè nuôi trên biển, gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào đầu tháng tư. Sau đó cá biển tự nhiên, cá nuôi lồng bè và cá hồ ven biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết. Mỗi ngày, ngư dân xã ven biển thu gom được hàng tấn cá chết, mỗi con trọng lượng từ vài lạng tới 50kg.

Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc) qua kiểm tra môi trường nước, tác nhân gây bệnh, kết luận các yếu tố thông thường và khí độc do phân hủy hữu cơ không phải là nguyên nhân khiến cá chết. Nguyên nhân trực tiếp nhiều khả năng là các yếu tố gây độc trong nước, có thể từ nguồn nước thải chưa được xử lý đổ ra sông, biển.

Hiện yếu tố độc này là gì thì chưa được tìm ra.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp Thừa Thiên - Huế (bằng dụng cụ test nhanh) cho thấy hàm lượng PO4 tầng đáy 1 mg/lít; pH 8,8; độ kiềm 89,5; độ mặn 30 phần nghìn. Cụ thể, chất lượng nước phú dưỡng (PO4 theo chỉ tiêu cho phép tối đa là 0,5 mg/lít, nhưng tại thời điểm đo là 1 mg/lít) làm tăng độ pH. Đây có thể là nguyên nhân làm cho cá sốc và chết hàng loạt do pH nước thay đổi đột ngột; PO4 tăng cao.

Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, kết hợp với khí độc ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiếu ôxy cục bộ làm cho cá chết nhanh.

Cập nhật: 21/04/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video