Mỗi con người trên trái đất đều có ít nhất 100 đột biến trong ADN, vật liệu di truyền ở cấp độ phân tử.
Acid deoxyribonucleic (viết tắt ADN hay DNA) là một phân tử acid nucleic mang thông tin di truyền mã hóa cho hoạt động sinh trưởng và phát triển của các dạng sống (trong đó có cả một số dạng virus). Trong quá trình sinh sản, phân tử ADN được nhân đôi và truyền cho thế hệ sau.
Theo BBC, trong hơn 70 năm qua giới khoa học luôn cố gắng ước lượng chính xác tốc độ biến đổi trong ADN. Tuy nhiên, mãi tới bây giờ người ta mới có thể đưa ra những dự đoán đáng tin cậy nhờ công nghệ mới trong lĩnh vực giải mã trình tự gene.
Mỗi người có 100-200 đột biến ở ADN. (Ảnh: Geekologie.com) |
Các nhà khoa học của Viện Wellcome Trust Sanger (Anh) nghiên cứu vài nghìn gene trong các nhiễm sắc thể Y của hai người đàn ông Trung Quốc. Hai người này có quan hệ họ hàng xa. Tổ tiên chung của họ chào đời vào năm 1805. Bằng cách theo dõi những khác biệt giữa hai người và quy mô của hệ gene (tập hợp toàn bộ ADN của cơ thể), nhóm nghiên cứu kết luận rằng mỗi người có 100-200 biến thể mới.
“Phát hiện những đột biến trong ADN khó hơn nhiều so với tìm kiếm trứng kiến trong kho thóc của hoàng đế”, tiến sĩ Yali Xue, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nói.
Những đột biến mới có thể gây nên những căn bệnh nguy hiểm như ung thư. Giới khoa học hy vọng rằng phát hiện của nhóm Xue sẽ giúp họ tìm ra cách giảm số lượng đột biến và cung cấp thêm những kiến thức mới về quá trình tiến hóa của loài người.