Cá mập nhỏ đi, ốm yếu hơn do biến đổi khí hậu

Nghiên cứu mới cho thấy những con cá mập mới sinh có kích thước nhỏ, thể trạng yếu ớt và thiếu dinh dưỡng so với trước đây. Nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu.

Theo Live Science, nhóm nghiên cứu từ Đại học Massachusetts (Mỹ) và Đại học James Cook (Úc) dành nhiều thời gian xem xét tác động của nước biển ấm lên với cá mập Epaulette sơ sinh (tên khoa học: Hemiscyllium ocellatum).


Cá mập Epaulette lúc còn nhỏ - (Ảnh: Shutterstock).

Đây là loài cá mập nhỏ, đẻ trứng, thường xuất hiện ở rạn san hô Great Barrier. Phần lớn thời gian của chúng sống ở đáy biển.

Đem túi trứng của cá mập vào xem xét trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học phát hiện nước ấm có thể làm cho cá mập sinh non.

TS Carolyn Wheeler - tại Đại học Massachusetts (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu - giải thích môi trường sống càng nóng càng thúc đẩy một số quá trình sinh sản diễn ra nhanh hơn.

Các phôi thai lớn nhanh hơn và sử dụng nguồn dinh dưỡng từ túi noãn hoàng nhanh hơn. Đây là nguồn thức ăn duy nhất của cá mập con khi chúng phát triển trong trứng.

Vì vậy, khi chất dinh dưỡng hết sớm, trứng có nguy cơ nở sớm hơn bình thường. Lý do cụ thể của hiện tượng này chưa được xác định rõ.


Vỏ trứng cá mập Epaulette - (Ảnh: Shutterstock).

Thông thường, cá mập có hai cách sinh sản là đẻ trứng và đẻ con. Các loài cá mập lớn hơn như cá mập trắng, cá mập voi… sẽ sinh con, trong khi cá mập nhỏ thường đẻ trứng. Phần lớn trứng sẽ nở và tự phát triển mà không cần ba mẹ giúp đỡ.

Đối với những loài cá mập đẻ trứng, việc con sơ sinh nhỏ hơn và yếu ớt rất bất lợi.

Các nhà nghiên cứu nói phát hiện này gây lo ngại cho tất cả các loài cá mập. Tiến sĩ Jodie Rummer - nhà sinh vật biển tại Đại học James Cook (Úc), đồng tác giả nghiên cứu - cho biết cá mập Epaulette thường có khả năng thích ứng cao với sự thay đổi. Vì vậy, nếu loài này cũng không thể đối phó với vùng nước ấm lên, thì các loài chịu đựng kém hơn sẽ lâm nguy.

Ngoài ra, cá mập là mắt xích quan trọng trong những hệ sinh thái đại dương. Theo Toby Daly-Engel - giám đốc Phòng thí nghiệm bảo tồn cá mập ở Đại học Công nghệ Florida (Mỹ), nếu cá mập biến mất, số lượng cá nhỏ sẽ bùng nổ bởi không có loài nào ăn thịt chúng.

Không lâu sau, thức ăn của chúng là sinh vật phù du, vi sinh vật và tôm nhỏ đều sẽ cạn kiệt. Cuối cùng, chính những loài cá nhỏ này sẽ chết vì đói.


Cá mập Epaulette lúc mới sinh - (Ảnh: Shutterstock).

Nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm tác động của nhiệt độ nước biển ấm với trứng cá mập Epaulette. Lần này, nhóm sắp đặt cho nước ở 31oC - nhiệt độ vào mùa hè dự kiến ở rạn san hô Great Barrier vào năm 2100.

Kết quả, quá trình sinh sản không còn đúng quy trình như xưa. Nhóm nghiên cứu cảnh báo, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, có thể nhiều hệ sinh thái đại dương sẽ gặp rắc rối.

Cập nhật: 19/01/2021 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video