Các nhà khoa học Australia đã đính các thẻ chứa thiết bị truyền tín hiệu lên 338 con cá mập để xác định vị trí của chúng nhằm đưa ra cảnh báo kịp thời, hạn chế các vụ tấn công do cá mập gây ra. Các thiết bị truyền tín hiệu được giám sát liên tục bởi đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu về cá mập tại Australia .
Các chủng cá mập được gắn máy bao gồm cá mập trắng lớn, cá mập voi và cá mập hổ cát. Khi cá mập xuất hiện cách bờ biển khoảng 800 mét, tín hiệu cảnh báo sẽ tự truyền đến máy tính và chuyển thành tin nhắn. Bản tin cảnh báo với các thông tin như kích thước, giống và vị trí chính xác của cá mập sẽ tự động tweet lên trang Twitter của Hiệp hội Surf Life Saving Western Australia.
Quản lý Hiệp hội Surf Life Saving Western Australia, Chris Peck: "Hệ thống cảnh báo từ xa bằng thẻ được cho là có khả năng đưa ra báo động nhanh hơn so với phương pháp truyền thống. Hiện tại, đây là hệ thống thông tin tức thời nhanh nhất. Hệ thống có thể tự động phát lời cảnh báo lên trang Twitter của hiệp hội để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận".
Giám đốc nghiên cứu của chương trình Shark Spotters tại Nam Phi đã chia sẻ: "Tư duy sáng tạo chính là những gì chúng tôi cần trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột giữa con người và động vật hoang dã. Ý tưởng của các nhà khoa học Australia là khá sáng tạo. Tuy nhiên, nên nhớ là phải đảm bảo cho tất cả các con các mập đều được gắn thẻ".
Qua quá trình theo dõi hoạt động của cá mập, các nhà khoa học cũng nhận thấy một số chủng cá mập có thể di chuyển tới nhiều vị trí có khoảng cách rất xa như từ biển tây Australia đến vùng biển thuộc Nam Phi. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nhận ra rằng cá mập trắng lớn không săn mồi ở một địa điểm cố định mà luôn di chuyển liên tục dọc theo bờ biển.
Theo số liệu thống kế hàng năm, Australia là quốc gia có số vụ tấn công do cá mập nhiều nhất thế giới. Chính quyền tại một số địa phương tại Australia đang đề xuất giải pháp đặt bẫy và giết chết các con cá mập lảng vảng gần bờ biển.