Con vật nhiều khả năng bị lạc đường trong hành trình di cư từ Ấn Độ Dương tới vùng biển lạnh ở phía bắc.
Cá voi xanh xuất hiện ở Biển Đỏ. (Ảnh: Egypt Independent).
Con cá voi xanh lùn dài khoảng 24m được phát hiện hôm qua tại vịnh Aqaba ở mũi phía bắc của Biển Đỏ. Theo Bộ Môi trường Ai Cập, đây là lần đầu tiên loài động vật lớn nhất hành tinh này xuất hiện ở Biển Đỏ, vùng biển có thể coi như vịnh nhỏ của Ấn Độ Dương nằm giữa châu Á và châu Phi, AFP đưa tin.
Con vật được cho là đã bơi quãng đường hơn 2.000km từ Ấn Độ Dương, băng qua eo biển Bab al-Mandab để tiến vào Biển Đỏ. Sự xuất hiện của cá voi xanh tại vùng biển này là đặc biệt hiếm và nhiều khả năng nó lạc đường trong hành trình di cư tới vùng biển lạnh ở phía bắc.
Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Khaled Fahmy đã chỉ dẫn các đội giám sát thực địa ở khu vực Biển Đỏ và phía nam bán đảo Sinai theo dõi, ghi hình cá voi xanh để nghiên cứu trong suốt hành trình của nó ở Biển Đỏ, đồng thời cảnh báo người dân nên giữ khoảng cách, không bơi cạnh con vật to lớn này, dù nó không phải là loài ăn thịt và gây nguy hiểm với con người.
Cá voi xanh có thể phát triển tới chiều dài 35 m, trường hợp lớn nhất từng ghi nhận nặng tới 173 tấn. Chúng ăn các loài giáp xác nhỏ và thường di chuyển những chặng đường dài để kiếm thức ăn hoặc sinh sản. Cá voi xanh được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê vào nhóm động vật nguy cấp.