Nếu đại dịch xảy ra với chủng cúm lây từ người sang người, Việt Nam sẽ có khoảng 10% dân số nhiễm bệnh, tức là gần 8,2 triệu người. Chỉ 5% số này nhập viện thôi thì số bệnh nhân đã lên tới 410.000, trong khi tất cả số giường bệnh hiện nay chỉ đáp ứng được 1/4 - Vụ trưởng vụ Điều trị Bộ Y tế, ông Lý Ngọc Kính, cho biết.
Tại Hà Nội, Bộ Y tế vừa chỉ định một số bệnh viện chuyên điều trị cúm gà, trong đó tuyến trung ương có Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới và Nhi Trung ương, còn lại là Bệnh viện Đống Đa, Bạch Mai, Bệnh viện Bắc Thăng Long và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới cho biết không thể dự đoán được số bệnh nhân, nên phương án ban đầu là tất cả các ca nghi nhiễm cúm ban đầu sẽ được giữ lại ở Bệnh viện Bạch Mai, sau đó nếu ai có kết quả xét nghiệm dương tính thì sẽ chuyển tới Viện để điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tường Vân, phó khoa Cấp cứu, hiện nay, Viện chờ kinh phí phân bổ theo kế hoạch hành động, nhưng vẫn có quỹ chống dịch thường xuyên, dự trữ kháng sinh, dịch truyền và thuốc Tamiflu đủ cho bệnh nhân và những người có nguy cơ cao trong gia đình họ. Viện còn 12 cái máy thở cũ dùng trong đợt dịch SARS và dịch cúm cũ. Máy theo dõi, bơm kim tiêm đủ cho dịch nhỏ, còn nếu lớn thì chắc chắn thiếu rất nhiều. Khu vực cách ly đã hoàn tất từ đầu năm và được sửa lại để chủ động khi có bệnh nhân. Viện chuẩn bị sẵn 30 giường cho bệnh nhân cúm, gồm 15 giường ở tầng 2 dành cho bệnh nhân nặng, số còn lại ở tầng 4 cho những người nhẹ hơn hoặc đã hồi phục. Trong đó, 3 giường luôn để trống với hệ thống cấp cứu ôxy tốt nhất, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Khi đại dịch xảy ra khiến số giường trên không đủ, viện sẽ bố trí những người mắc bệnh khác về tuyến dưới, để dành toàn bộ 120 giường cho các ca nhiễm cúm.
Bác sĩ Vân cũng cho rằng, nếu đại dịch xảy ra, cái khó không phải là sức người vì viện có thể huy động đủ y tá, bác sĩ từ Trường trung cấp y tế Bạch Mai và sinh viên mới ra trường. Cái khó chính là các phương tiện như máy thở, máy theo dõi, hệ thống ôxy, do đắt tiền nên không trang bị được nhiều. Lãnh đạo Viện rất mong kế hoạch hành động được hoàn thiện nhanh vì một khi đại dịch bùng phát, số bệnh nhân đông và tăng nhanh thì sẽ gặp khó khăn lớn.
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang khẩn trương chuẩn bị đối phó với cúm. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc cho biết, khoa Lây đã bố trí 30 giường và có thể huy động tối đa 50 giường bệnh. Về nhân lực, bệnh viện sẽ sử dụng tất cả các bác sĩ khoa lây và có thể điều động thêm. Về thuốc men, đã có một cơ số Tamiflu. Tuy nhiên, hiện bệnh viện chỉ mới có 2 máy thở cho bệnh nhân cúm, trong khi con số dự kiến là 10. Nếu huy động toàn bệnh viện thì sẽ được 40 máy nhưng số thiết bị này phải được sử dụng cho những bệnh nhân khác. Trang thiết bị và dụng cụ bảo hộ cũng còn thiếu, bệnh viện đang tiếp tục mua.
Trong khi đó, Bệnh viện Đống Đa đã lập 3 tổ điều trị, mỗi tổ có 5 bác sĩ chuyên khoa điều trị và cấp cứu; 10 điều dưỡng và 1 hộ lý; 2 đội chủ động chống dịch. Bệnh viện đã lên kế hoạch phân loại dịch, nếu dịch ở cấp 1 (dưới 10 bệnh nhân) và cấp 2 (dưới 50 bệnh nhân) thì sẽ được khám tại khoa hô hấp và đưa vào khoa truyền nhiễm cách ly. Dịch cấp 3 (từ 50 đến 200), bệnh nhân nặng sẽ được cấp cứu ban đầu ở khoa hô hấp rồi mới chuyển vào khoa truyền nhiễm.
Bệnh viện Bắc Thăng Long cũng chuẩn bị được 30 giường cho bệnh nhân cúm, nếu dịch lớn thì huy động tất cả giường bệnh. Buồng bệnh được phân loại theo 3 màu: đỏ cho bệnh nhân cấp cứu, vàng cho các ca nghi nhiễm và xanh cho khu vực đã điều trị ổn định. Còn Bệnh viện Đức Giang cũng đã có đủ nhân lực, thuốc và hóa chất cho dịch cúm. Khoa nội 3 hiện bố trí 19 giường bệnh, nếu dịch lớn có thể tăng cường lên khoảng 150 gường.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã giao cho 4 bệnh viện: Bệnh nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch, Nhi đồng I, Nhi đồng II thành lập các phòng điều trị cách ly với 200 giường bệnh sẵn sàng đón nhận bệnh nhân đến điều trị. Các trạm y tế phường xã, trường học, cơ quan xí nghiệp đều thành lập một khu cách ly nội bộ tạm thời để cách ly tại chỗ khi có người nhiễm bệnh.
Tại các tỉnh, nếu bùng phát dịch quy mô nhỏ thì sẽ chuyển bệnh nhân lên 7 bệnh viện tuyến trung ương. Nếu dịch lớn hơn một chút thì sẽ đưa tới các bệnh viện đa khoa tỉnh. Còn trong trường hợp đại dịch bùng phát, bệnh nhân sẽ được cách ly và điều trị tại chỗ.
Thanh Nhàn