Bộ Bưu chính Viễn thông đang xây dựng quy chế để mở đợt thi chọn doanh nghiệp đủ điều kiện cấp băng tần 3G và WiMax. Một trong hai hình thức có thể được áp dụng là qua đấu thầu hoặc qua "thi trắc nghiệm" để chọn đơn vị được cấp phép.
Hôm qua, Chính phủ đã có văn bản đồng ý với kiến nghị của Bộ Bưu chính Viễn thông về việc phân bổ băng tần hai dịch vụ 3G và WiMax cho các doanh nghiệp thông qua thi tuyển.
Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, nếu một quốc gia có quá nhiều nhà khai thác trong khi băng tần có hạn thì cơ quan chủ quản có thể lựa chọn một trong hai hình thức đấu giá hoặc căn cứ vào các chỉ tiêu mà một doanh nghiệp có thể đáp ứng được. Trong trường hợp phải lựa chọn hình thức thứ 2, cơ quan chủ quản sẽ phải đưa ra các tiêu chí và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.
Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết đang tiến hành khảo sát kinh nghiệm phân bổ băng tần ở các nước trong khu vực và trên thế giới để lựa chọn hình thức phù hợp. Dự kiến quý II năm nay, cuộc thi tuyển sẽ được bắt đầu.
Theo quy hoạch tần số của Cục tần số vô tuyến điện Bộ Bưu chính Viễn thông, băng tần dịch vụ 3G hiện chỉ đủ cấp phép tối đa cho 4 doanh nghiệp. Băng tần WiMax di động và WiMax cố định cũng chỉ đáp ứng tối đa khoảng 3 nhà khai thác cho mỗi dịch vụ. Trong khi đó, có tới 6 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ di động, 8 nhà khai thác được cấp phép thiết lập hạ tầng viễn thông và nhiều đơn vị khác tham gia các dịch vụ ứng dụng công nghệ.
Đến nay, Bộ Bưu chính Viễn thông đã trao giấy phép cung cấp thử nghiệm dịch vụ WiMax cố định cho 4 doanh nghiệp gồm Viettel, VTC, VNPT và FPT Telecom. Sau 12 tháng thử nghiệm kết thúc, dựa vào các tiêu chí như chất lượng dịch vụ và tài chính của mình, 4 doanh nghiệp trên sẽ phải đấu thầu giải tần để có thể được trở thành nhà cung cấp dịch vụ chính thức.
Hồng Anh