Nếu có dịp đến thăm các khu bảo tồn thiên nhiên, bạn sẽ được chiêm ngưỡng màu sắc tuyệt đẹp của các chú chim – đơn sắc, đa sắc lung linh. Người ta cho rằng màu sắc của chúng là để thích ứng với việc hấp dẫn bạn tình, nhận biết cá thể cùng loài giữa đám đông,...
Gần đây, các nhà khoa học đã nhận biết và phát hiện được các hạt chứa sắc tố gọi là melanosome trong hóa thạch chim từ rất sớm cũng như ở 1 số loài khủng long và họ dự đoán về màu sắc của sắc tố trong các melanosome dựa trên kích thước và hình dạng hạt sắc tố.
Tuy vậy, melanosome được phát hiện trong các hóa thạch nguyên vẹn là rất hiếm, nhóm nghiên cứu từ trường đại học Manchester đã phát triển phương pháp để truy tìm dấu vết của chúng bằng cách sử dụng phương pháp quét huỳnh quang tia X. Điều này cho phép họ phát hiện hàm lượng rất thấp của các nguyên tố trên bề mặt lớn. Kết quả là họ đã tìm ra dấu vết của các sắc tố trong hóa thạch chim cổ ví dụ hóa thạch Archaeopteryx 150 triệu năm tuổi và Confuciusornis 120 triệu năm tuổi. Ngoài ra, nhóm cũng phát hiện được sắc tố trong hóa thạch cá và mực ống. Hơn nữa trong trường hợp hóa thạch chim thời tiền sử, kết quả phân tích chỉ ra hạt sắc tố có nguồn gốc từ lông vũ của chim.
Ảnh quét thu được bằng phương pháp hóa học của hóa thạch Confuciusornis 120 triệu năm cho thấy dấu vết các sắc tố của chim thời tiền sử.
Tuy vậy, đây mới chỉ là phát hiện thu được ban đầu, và họ chưa đủ bằng chứng để kết luận được màu sắc lông vũ thực sự của chim hóa thạch. Song nhóm nghiên cứu có kế hoạch lập bộ sưu tập về các dữ liệu hóa thạch và so sánh màu sắc của các mẫu vật thời tiền sử với động vật sống hiện tại để giải mã màu sắc bộ lông của các loài chim cổ xưa.