Khác với những bộ xương khủng long khổng lồ, một số mẫu hóa thạch đã trở thành tâm điểm chú ý của các nhà khảo cổ bởi tính độc đáo của chúng.
5 hóa thạch động vật độc đáo
1. Tinh trùng cổ đại
Tinh trùng giun đất có niên đại 50 triệu năm. Ảnh: Khoa khảo cổ, Bảo tàng lịch sử tự nhiên Thụy Điển.
Tinh trùng 50 triệu năm tuổi của một loài giun đất ở bán đảo Nam Cực là hóa thạch tinh trùng động vật lâu đời nhất từng được tìm thấy. Loài giun này sinh sản bằng cách bơm trứng và tinh trùng vào trong kén bảo vệ. Chính lớp vỏ cứng đã giữ cho chiếc kén nguyên vẹn cho đến ngày nay.
2. Tôm kỷ Silua
Hóa thạch tôm tý hon tìm thấy ở biên giới giữa Anh và Wales. (Ảnh: The Sun.)
Được phát hiện trong mương nước gần biên giới giữa Anh và Wales vào đầu những năm 2000, hóa thạch tôm tí hon này vẫn nguyên vẹn với tất cả mô mềm. Trong kỷ Silua (443 – 419 triệu năm trước), biên giới xứ Wales nằm ở thềm một vùng biển nhiệt đới. Các động vật biển thường bị bao phủ, chôn vùi và hóa đá bởi tro núi lửa. Hóa thạch tôm tí hon không thể quan sát qua kính hiển vi, bởi vậy các nhà khoa học đã khôi phục lại nó bằng kỹ thuật hình ảnh 3D.
3. Phân khủng long
Phân khủng long hóa thạch ở Bắc Carolina, Mỹ. (Ảnh: Poozeum.)
Phân hóa đá, hay còn gọi là sỏi phân, là những "hóa thạch vết tích" có giá trị khảo cổ học to lớn. Chúng có thể tiết lộ cho các nhà khoa học chính xác một sinh vật tuyệt chủng đã từng ăn những gì. Sỏi phân chỉ là một dạng của bromalite, hóa thạch từ mọi chất bài tiết của sinh vật, thường được gọi là "đá bốc mùi."
4. Tê giác vùng Yorkshire
Xương hàm linh cẩu trong hang động Kirkdale, Anh. (Ảnh: Bảo tàng Yorkshire.)
Một công nhân khai thác đá làm đường đã tìm thấy rất nhiều xương động vật trong hang Kirkdale ở Anh năm 1821. Giáo sư William Buckland thuộc Đại học Oxford đã nhận ra đây là bộ xương của một loài động vật ăn cỏ lớn như tê giác. Bộ xương có các dấu hiệu bị cắn và phân hóa thạch tìm thấy trên nền hang rất giống của loài linh cẩu. Buckland khẳng định hang Kirkdale chính là nơi ở của linh cẩu. Gần 200 năm sau, chúng ta biết những động vật lớn ở châu Phi từng lang thang khắp Yorkshire, Anh, cách đây khoảng 125.000 năm trong thời kỳ ấm áp giữa các kỷ băng hà.
5. Quái vật Tully
Hóa thạch quái vật Tully. (Ảnh: Ghedoghedo.)
Hóa thạch của sinh vật này được phát hiện lần đầu tiên trong một mỏ than đá vào thế kỷ 19. Tên gọi của nó lấy theo Francis Tully, người đã tìm ra mẫu hóa thạch. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nó thuộc loài nào. Dài gần 10cm, quái vật Tully có cái mõm dài với càng nhọn đầy răng cưa, hai mắt trên thân, cơ thể chia đốt và vây ở đuôi. Đây có thể là một động vật ăn thịt và phần đá bao quanh cho thấy nó sống ở vùng nước nông thuộc biển nhiệt đới.