Hiện tượng băng tan do khí hậu nóng lên có thể làm xuất hiện những thành phần thuộc các hệ sinh thái cổ đại trên bề mặt, trong đó có các virus.
Đây là nhận định của ông Sergei Davydov, cán bộ khoa học đầu ngành Trạm nghiên cứu khoa học vùng Đông Bắc đóng tại làng Chersky thuộc Viện địa lý Thái Bình dương - Phân viện Viễn Đông Viện HLKH Nga, chia sẻ với Sputnik.
Băng vĩnh cửu tan chảy giải phóng nhiều loại virus cổ đại nguy hiểm.
Theo nhà khoa học, vùng băng vĩnh cửu hàng triệu năm nay không hề tan chảy có khả năng giấu trong đó các loại virus cổ đại, có thể vô hại đối với con người và cũng có thể cực kỳ nguy hiểm.
"Hơn 10% lãnh thổ của đất nước chúng ta là vùng băng vĩnh cửu. Đây là những diện tích đất đá, những vùng trầm tích bị đóng băng từ hàng triệu năm trước. Do đó, chúng ta có thể tìm thấy những dấu vết trước kia từng là một phần của hệ sinh thái. Đã từng tồn tại kỷ Nhân sinh - một hệ sinh thái thời voi ma mút khổng lồ với các loài động vật như voi ma mút, bò xạ hương, tê giác lông mượt, còn có những căn bệnh của riêng thời đó. Tất cả đều bị đóng băng, và bây giờ bắt đầu tan chảy" - nhà khoa học nói.
Ông Davydov lưu ý rằng các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những loại virus mới, những loại mà "may mắn thay nó không để ý đến con người".
Nhà khoa học cũng nói thêm rằng bệnh than đã được tìm thấy trong xác voi ma mút, và không loại trừ khả năng ở đâu đó, có thể là trong lớp băng vĩnh cửu, vẫn tồn tại bệnh đậu mùa hoặc căn bệnh nào đó khác. Đó là lý do tại sao ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu dịch bệnh trong quá khứ.