Tái khởi động máy gia tốc hạt lớn (Large Hadron Collider -LHC) trong tuần này sau khi phải tạm ngừng một thời gian do dịch COVID-19.
Máy gia tốc hạt lớn (Large Hadron Collider -LHC). (Ảnh: newzflash.in).
Việc tái khởi động LHC là một quy trình phức tạp và các nhà nghiên cứu tại CERN đang nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ này nhằm mở đường cho hoạt động nghiên cứu vật chất tối.
Theo ông Rende Steerenberg, phụ trách phòng điều khiển tại CERN, việc đưa LHC hoạt động trở lại không đơn thuần là nhấn nút công tắc. Ông Steerenberg nhấn mạnh LHC phải hoạt động như một "dàn giao hưởng" và để tia bức xạ bao quanh, tất cả các nam châm đều phải hoạt động đúng chức năng vào đúng thời điểm.
LHC là máy gia tốc hạt lớn nhất và mạnh nhất thế giới do CERN xây dựng. LHC được chứa trong một đường hầm có chu vi 27 km, ở độ sâu 175 m so với mặt đất, tại khu vực gần Geneva, Thụy Sĩ. Tại đây sẽ diễn ra các thí nghiệm va chạm trực diện giữa các hạt proton.
Các vụ va chạm hạt của LHC quan sát được tại CERN trong khoảng thời gian từ 2010-2013 đã mang lại bằng chứng về sự tồn tại của hạt phân tử Higgs, hay còn gọi là "hạt của Chúa", vốn được cho là có vai trò quan trọng trong việc hình thành vũ trụ sau khi xảy ra vụ nổ Bing Bang cách đây 13,7 tỷ năm.
Các nhà vật lý học hy vọng rằng việc tái thiết lập các vụ va chạm hạt sẽ giúp họ giải mã nguồn gốc của vất chất, trong đó có vật chất tối. Vật chất tối được cho là phổ biến gấp 5 lần so với vật chất thông thường nhưng không hấp thụ, phản xạ hay phát ánh sáng.
Theo ông Steerenberg, các nhà khoa học sẽ gia tăng số lượng các vụ va chạm, qua đó có thể có những phát hiện mới. Ông cho biết thêm LHC có kế hoạch hoạt động cho đến khi thực hiện lần ngừng hoạt động tiếp theo từ năm 2025-2027.