Các nhà nghiên cứu ghi lại khoảnh khắc con bọ biển dài 20cm ăn ngấu nghiến một chiếc đầu cá ngoài khơi Florida.
Bọ biển ăn đầu cá.
Video trong chương trình "31 Dives of Halloween" gần đây của Cơ quan Khám phá và Nghiên cứu Đại dương thuộc Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) mô tả hàng loạt sinh vật biển sâu, trong đó có bọ biển khổng lồ hay còn gọi là bọ chân đều thuộc loài Bathynomus giganteus. Đây là sinh vật ăn xác thối có họ hàng gần với rận gỗ và mọt gỗ xuất hiện phổ biến trong các ngôi nhà.
Bọ biển thuộc nhóm giáp xác sống cả trong môi trường đại dương và trên đất liền, ước tính bao gồm khoảng 10.000 loài trên khắp thế giới. Bọ biển khổng lồ nằm trong chi Bathynomus, là loại bọ chân đều lớn nhất. Chúng có thể to hơn nhiều họ hàng trên cạn với chiều dài khoảng 45 cm.
"Bọ biển là ví dụ về bệnh khổng lồ, trong đó động vật dưới biển sâu phát triển cực kỳ lớn", Stephanie Farrington, trưởng nhóm sinh vật học trong chuyến thám hiểm. "Hiện tượng này giúp tăng tính hiệu quả. Sự khan hiếm thức ăn ở biển sâu đã dẫn tới quá trình tiến hóa kích thước khổng lồ. Nước lạnh cũng dẫn tới kích thước cơ thể lớn hơn".
Trong video, con bọ dài ước tính 20 cm đang ăn một phần đầu cá.
Video được quay trong chuyến thám hiểm nghiên cứu vào năm 2019 của NOAA cách Key West, Florida, 64km về phía đông nam ở độ sâu gần 1.219m. Trong video, con bọ dài ước tính 20cm đang ăn một phần đầu cá.
Dù được phát hiện lần đầu tiên năm 1879, có nhiều điều giới nghiên cứu chưa biết về sinh học và hành vi của chúng. Đó là lý do tại sao những video như vậy rất quan trọng đối với các nhà khoa học.
Giống như mọi loài giáp xác, bọ biển có lớp xương ngoài rất cứng. Cơ thể chúng chia thành 3 phần, bao gồm đầu, ngực và bụng, theo Farrington. Chúng có 14 chân, đuôi hình quạt và hai bộ râu một dài một ngắn. Chúng cũng có phần phụ kỳ lạ ở bụng, nằm trong hệ hô hấp. Bọ biển được thu thập ở độ sâu từ 170 đến 2.140m. Bathynomus giganteus chủ yếu phân bố ở vịnh Mexico, eo biển Florida, Brazil, gần đáy biển đầy cát.