Các nhà khoa học lý giải vì sao "Gangnam Style" trở thành hiện tượng toàn cầu

Liệu các video được phát tán rộng rãi trên mạng có mang trong mình những đặc tính của các... bệnh dịch.

Sự lan rộng của các bệnh luôn đi theo một hình mẫu khá cố định. Nó nổ ra ở một thời điểm và không gian cố định, và sau đó lan rộng ra như một làn sóng được phát xuất từ nguồn.

Tốc độ của làn sóng này được thống trị bởi phương thức di chuyển. Các ghi chép lịch sử chỉ ra rằng Cái Chết Đen - trận đại dịch hạch đã cướp đi sinh mạng từ 75 đến 200 triệu người, tức khoảng 3/4 dân số ở châu Âu hồi thế kỉ 14 - đã dịch chuyển dọc lục địa này với tốc độ 2km/ngày. Sở dĩ có tốc độ "rùa bò" như vậy bởi đại dịch chết người này bị giới hạn bởi trình độ giao thông vận tải thời kì đó.


Sự lan tỏa của Cái Chết Đen lên Châu Âu (1346-1353).

Tuần trước, Zsofia Kallus và các đồng sự ở Đại học Eotvos ở Budapest, Hungary, nói rằng họ đã tìm ra hình mẫu lan truyền mới, đó chính là video Gangnam Style của ca sỹ Psy, một hiện tượng lan truyền toàn cầu vào năm 2012, cuối cùng đã trở thành video đầu tiên đạt 1 tỉ lượt xem trên YouTube. Và nhóm nghiên cứu cho biết họ có thể phục hồi lại các tín hiệu dạng sóng độc nhất vô nhị của việc lan truyền thông tin, miễn là họ tính vào đó đầy đủ các mạng xã hội liên quan.

Câu chuyện đằng sau "bệnh dịch" thì thật là đáng kinh ngạc. Video ca nhạc này được sản xuất dựa trên một phong cách có tên là K-pop của nhạc sỹ Hàn Quốc Psy, người thực sự ít được biết đến bên ngoài đất nước của anh. Nó được ra mắt vào ngày 15/7/2012, và ngay lập tức trở nên phổ biến ở Hàn Quốc.

Nhưng bởi Psy vốn hầu như vô danh bên ngoài quê hương của mình, thành công của video này là rất khó để dự đoán. Ấy vậy mà vào ngày 21/12/2012, video này đã cán mốc 1 tỉ lượt xem trên Youtube toàn cầu. "Vào năm 2012, Kỉ lục gia "Gangnam style" đã đánh dấu sự xuất hiện của một dạng thức meme (văn hóa truyền miệng) trên mạng, đạt đến độ nổi tiếng không có tiền lệ mặc cho số lượng khán giả địa phương nhỏ bé ban đầu", theo lời Kallus và các đồng nghiệp.


Lượng người xem tăng vọt của Gangnam Style nội trong hơn một tháng.

Nhưng làm thế nào mà điều này có thể xảy ra thì lại chính là trọng tâm nghiên cứu của Kallus và đồng nghiệp. Để làm được điều này, họ đã truy tìm sự lan truyền của đoạn video bằng việc tìm kiếm các luồng tweet (từ Twitter) được định vị địa lý, mà xuất hiện từ "Gangnam Style" trên đó. "Các thông tin vị trí cho phép chúng tôi ghi lại thời gian tới xấp xỉ của một tin tức bất kì đối với một vùng địa-chính trị nào đó", Kallus và đồng nghiệp nói.

Và cách này đã tiết lộ cách mà đoạn video này lan truyền, bắt đầu từ Philippines và sau đó là cả thế giới. Có lẽ là do Philippines là một quốc gia khá gần Hàn Quốc, nhưng lại có mối liên kết mạnh hơn với thế giới nhờ cộng đồng người hải ngoại đông đảo của họ. Ngoài ra đây cũng là quốc gia có mối liên kết với các quốc gia nói Tiếng Anh mạnh hơn.

Nhưng không có điều gì trong số này có thể giúp giải thích các mẫu dạng sóng cổ điển mà các nhà dịch tễ học muốn thấy ở các sự kiện lan truyền. Quả thực, sự lan truyền của đoạn video này khi diễn ra ở các vùng khá xa Hàn Quốc, nhìn khá là ngẫu nhiên

Đó là bởi khoảng cách địa lý không phải là điểm chính yếu cho sự lan truyền thông tin qua các mạng xã hội. Thay vào đó nó phụ thuộc vào sức mạnh của mối liên kết từ vùng này đến vùng khác - những nơi mà có càng nhiều các mối nối xã hội thì khả năng lan truyền lại càng nhanh hơn.


Gangnam Style của nam ca sĩ PSY.

Và quả thực, đó cũng chính là những gì mà Kallus và đồng nghiệp tìm thấy. Điều đó đã chỉ ra việc nên thay thế khoảng cách địa lý bằng một thước đo khoảng cách hiệu quả hơn, mà có thể nắm bắt được thông tin lan truyền giữa chúng. Ngay khi Kallus và các đồng nghiệp làm như vậy, các mẫu dạng sóng đã bắt đầu xuất hiện

Họ thậm chí còn có thể kiểm tra chéo các mẫu bằng việc tìm kiếm trên Google Trends với từ khóa "Gangnam Style" để xem chính xác thì người ta đã tìm kiếm lần đầu cho nó ở các phần khác nhau của thế giới KHI NÀO. Và không ngạc nhiên, khi kết quả của Google Trends hoàn toàn trùng khớp với kết quả của Twitter.

Thật là một công trình nghiên cứu thú vị khi chỉ ra cái cách mà các meme hiện đại lan truyền như thể một đại dịch cổ xưa vậy. Mối liên hệ của một video nhạc vui tươi vô hại của thế kỉ 21 và một đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại của thế kỉ 14, hóa ra lại gần hơn bạn tưởng đó!

Điều đó tuy vậy lại không quá gây ngạc nhiên. Nó chỉ giúp nhấn mạnh một mối liên hệ kì diệu ẩn sâu trong thế giới vật lý và thế giới của thông tin thuần túy. Tại sao chúng lại liên hệ với nhau thì điều này vẫn là một ẩn số lớn. Nhưng sự khẳng định trên là một lý do tuyệt vời để chúng ta tiếp tục dấn thân vào việc nghiên cứu mối liên hệ này.

Mối liên hệ giữa thế giới vật lý và thế giới thông tin là một bí ẩn lớn, nhưng đến giờ có thể khẳng định chắc chắn là nó tồn tại.

Cập nhật: 12/08/2017 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video