Các nhà khoa học Nga sắp trồng dưa hấu tại Nam cực

Sau khi trồng thành công các loại rau củ, những nhà khoa học Nga tại Trạm nghiên cứu Vostok sẽ trồng dưa hấu và dưa chuột tại Nam Cực.

Theo Hãng thông tấn RIA, các nhà khoa học Nga tại Trạm nghiên cứu Vostok ở Nam Cực sẽ trồng dưa hấu và dưa chuột tại khu vực lạnh nhất hành tinh từ tháng 2-2023 và sẽ thu hoạch sau 68 ngày gieo trồng.


Một nhà khoa học ở Trạm nghiên cứu Vostok bên cạnh quả cà chua được trồng tại Nam Cực - (Ảnh: RIA NOVOSTI).

Nhà nghiên cứu Andrey Teplyakov cho biết những quả dưa hấu sẽ có đường kính khoảng 20cm, bé hơn những quả dưa hấu bình thường nhưng được hứa hẹn sẽ mang lại hương vị tương tự những quả dưa bình thường.

Hồi tháng 11-2022 vừa qua, Viện Nghiên cứu Bắc cực và Nam cực (AARI) thông báo về một vụ mùa bội thu 28,5kg cà chua và 9kg hạt tiêu đen trên mỗi mét vuông gieo trồng.

Trước đó, các nhà khoa học đã từng thu hoạch thành công 94kg rau cải bẹ, 72kg củ cải dầu, 69kg rau cải lông, 32kg rau mầm và 53kg rau dương đề.

Trong số đó, một nửa lượng rau củ quả thu hoạch được sẽ phục vụ nhu cầu của các nhà nghiên cứu ở vùng Nam cực, phần còn lại sẽ được gửi đến Viện Nghiên cứu vật lý nông nghiệp thành phố Saint Petersburgh (AFI) để nghiên cứu.

Hiện nay, các nhà khoa học tại AFI vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển một phương pháp trồng cây mới được gọi là panoponics dựa trên nguyên lý trồng cây của phương pháp thủy canh và khí canh.

Cụ thể, thay vì sử dụng đất, phương pháp panoponics sử dụng một lớp nền mỏng với những vật liệu gần giống vải có chứa các dung dịch dinh dưỡng với nồng độ và các thành phần dinh dưỡng tương tự như trong tự nhiên.

Bên cạnh đó, phương pháp panoponics cũng sử dụng hệ thống đèn LED có quang phổ gần giống với quang phổ của mặt trời thay cho lượng ánh sáng tự nhiên từ mặt trời.

Đây cũng chính là một trong những thí nghiệm trong việc tạo ra một nguồn cung cấp thực phẩm mới cho các phi hành gia làm nhiệm vụ tại Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) hay trong những mục tiêu xa hơn ở sao Hỏa hay Mặt trăng.

Việc lựa chọn trạm nghiên cứu Vostok làm nơi thực hiện những thí nghiệm trên bởi điều kiện khí hậu và nhiệt độ tại Nam cực là gần giống với các hành tinh ngoài vũ trụ nhất.

Ngoài ra, những nỗ lực của AFI trong việc trồng rau củ quả ở Nam cực cũng nhằm phát triển một công nghệ mới cho phép những người dân tại các khu vực có khí hậu khắc nghiệt ở phía bắc nước Nga như Siberia có thể tự trồng các loại rau củ quả.

Tại Siberia, rau củ quả là cực kỳ đắt đỏ bởi họ không thể trồng và việc duy trì nhiệt độ cũng như lượng ánh sáng thích hợp cho việc trồng trọt trong những nhà kính ở khu vực này tiêu tốn quá nhiều chi phí.

Với phương thức panoponics, người dân có thể tự trồng rau củ trong nhà và quan trọng hơn hết, phương thức canh tác chỉ cần sử dụng điện để duy trì hoạt động của hệ thống đèn LED chiếu sáng.

Tuy nhiên, việc trồng cây tại Nam cực cũng phát sinh một nhược điểm đó là việc thụ phấn cho cây trồng phải do con người chủ động do không có các loài côn trùng như ong hay bướm tại khu vực này.

Cập nhật: 29/01/2023 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video