Các nhà khoa học săn mực khổng lồ 500kg bằng tàu du lịch

Thay vì thuê tàu nghiên cứu tốn hàng triệu USD, các nhà khoa học dựng trạm nghiên cứu trên tàu du lịch Nam Cực để săn tìm mực khổng lồ.


Mô phỏng mực khổng lồ Nam Cực sống ở vùng biển sâu. (Video: Bảo tàng Te Papa)

Mực khổng lồ Nam Cực (Mesonychoteuthis hamiltoni) là loài động vật chân đầu bí ẩn có thể nặng tới 500 kg và dài 14 m với các xúc tu duỗi ra. Dù các tàu đánh cá đã tìm thấy một số mẫu vật của chúng, nhưng giới nghiên cứu vẫn gặp khó khăn trong việc quan sát một cá thể ngoài tự nhiên.

Nhà nghiên cứu Matthew Mulrennan hy vọng sẽ thay đổi điều đó với Kolossal, tổ chức phi lợi nhuận do ông thành lập để quay phim mực khổng lồ trong môi trường sống tự nhiên. Mục đích là tìm hiểu những thông tin cơ bản về sinh vật biển này, ví dụ như cách săn mồi và hình dáng trong từng giai đoạn sống.

Năm 2022 và 2023, Mulrennan đã tập hợp một nhóm nhà khoa học với mục tiêu ghi hình mực khổng lồ trong các chuyến du lịch châu Nam Cực. Ông ước tính nỗ lực này tốn tổng cộng 500.000 USD, vẫn rẻ hơn nhiều so với việc thuê một tàu nghiên cứu. Thuê tàu nghiên cứu có thể tốn hàng chục nghìn USD một ngày. Mulrennan cho biết, một số chuyến thám hiểm tương tự đã tốn tới 8 triệu USD.


Tàu du lịch Nam Cực Ocean Endeavour. (Ảnh: Business Insider).

Trong suốt 4 chuyến đi, khách du lịch trên tàu du lịch Ocean Endeavor chứng kiến nhóm nhà nghiên cứu đưa camera xuống vùng nước lạnh giá của Nam Đại Dương để ghi hình sinh vật biển. Họ thậm chí xây dựng một trạm nghiên cứu hoàn thiện trên tàu. Cuối cùng, camera dưới nước của họ đã quay được hàng chục loài ở Nam Cực, trong đó có một con vật giống mực khổng lồ con, Business Insider hôm 16/4 đưa tin.

Mực khổng lồ trưởng thành sống ở độ sâu hơn 900m trong vùng nước xung quanh châu Nam Cực, ngoài tầm với của những thợ lặn giỏi nhất, trong khi các tàu lặn có thể khiến chúng sợ hãi tránh xa. Do đó, giới nghiên cứu vẫn biết rất ít thông tin về chúng. Nhiều mẫu vật được tìm thấy trong bụng cá nhà táng, loài mà khẩu phần ăn có thể gồm tới 77% mực khổng lồ. Trong khi đó, theo một nghiên cứu năm 2015, giới khoa học mới chỉ phát hiện 12 mẫu vật mực khổng lồ hoàn chỉnh.

Mực khổng lồ cũng khó bảo tồn để nghiên cứu lâu dài, theo Myrah Graham, nghiên cứu sinh tại Viện Hàng hải thuộc Đại học Memorial, người đồng hành cùng Mulrennan trong một chuyến thám hiểm. Do đó, nhiều điều cơ bản về chúng vẫn chưa được xác định như tuổi thọ, quá trình sinh sản và quy mô quần thể.


Nhóm Kolossal ghi hình một sinh vật giống mực thủy tinh trưởng thành hoặc mực khổng lồ con ở Cảng Paradise, châu Nam Cực. (Ảnh: Business Insider).

Trong 58 ngày trên biển, camera của Kolossal ghi hình hơn 80 loài sinh vật biển, bao gồm hải miên núi lửa khổng lồ, cá rồng Nam Cực, sao biển Mặt Trời Nam Cực và một sinh vật giống mực khổng lồ. Các chuyên gia xem xét hình ảnh về sinh vật này và cho biết, không thể xác định đó là mực khổng lồ con hay mực thủy tinh trưởng thành. Theo Graham, điều này cho thấy họ đang đi đúng hướng.

Mulrennan hy vọng trở lại Nam Cực trong mùa tiếp theo, kịp mục tiêu mà ông đặt ra là phát hiện mực khổng lồ vào năm 2025.

Cập nhật: 19/04/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video