Các nhà khoa học tìm thấy một loại tế bào hoàn toàn mới, giúp chữa lành tổn thương trong trái tim

Giống như những người lính cứu hỏa, chúng sẽ đến ngay hiện trường khi phát hiện trái tim của bạn bị tổn thương.

Cơ thể con người có rất nhiều cơ chế tự chữa lành kỳ diệu. Khi bị một vết thương chảy máu trên da, các tiểu cầu và bạch cầu lập tức được huy động để làm lành chúng trong vài ngày. Một vết thương trong miệng có thể lành nhanh hơn các vết thương khác nhờ vào một protein có tên SOX2.

Các nhà khoa học cũng biết cơ thể chữa lành vết thương vào ban ngày nhanh hơn ban đêm. Họ đang khai thác các tế bào mỡ để điều trị các vết thương không để lại sẹo.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, những cơ chế chữa lành tổn thương bên trong cơ thể còn ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu hơn nữa.

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Calgary, Canada đã phát hiện ra một số tế bào bạch cầu chưa từng được biết tới, chúng cư trú trong màng ngoài tim của chuột và con người.


Cơ thể chữa lành vết thương vào ban ngày nhanh hơn ban đêm.

Những tế bào này được ví như một "đội sửa chữa" khẩn cấp. Giống như những lính cứu hỏa, chúng sẽ đến ngay hiện trường khi tổn thương xảy ra trên tim, tìm cách khắc phục và sửa chữa nhanh vết thương ấy.

Phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi trước hết, nó có thể giúp các bác sĩ phẫu thuật tim hoạch định lại kế hoạch mổ. Trong tương lai, các nhà khoa học cho biết họ đang có ý định nghiên cứu và phát triển các tế bào bạch cầu này thành một loại thuốc và loại hình trị liệu mới, tương tự như tiêm tế bào gốc.

Đội sửa chữa khẩn cấp

Khi một cơ quan trong cơ thể chúng ta bị tổn thương, nó có thể tự sửa chữa để lành bằng hai cách: sử dụng chính các tế bào bên trong cơ quan đó, hoặc các tế bào máu được điều động tới từ hệ thống tuần hoàn.

Những tế bào máu này có thể giúp dọn sạch các mảnh vụn và tế bào chết khỏi vị trí tổn thương. Chúng cũng đồng thời ra hiệu cho quá trình tái sinh các tế bào mới, thay thế các tế bào đã mất. Nhiệm vụ cuối cùng của các tế bào máu là canh gác và bảo vệ khu vực "công trường" khỏi những kẻ xâm lược phá hoại như virus hoặc vi khuẩn.

Thế nhưng, các tế bào máu thông thường muốn đến được các cơ quan bị tổn thương cần đi vòng vèo qua các mạch máu, đó là một chặng đường dài. Và cơ thể chúng ta cũng biết vậy, nó dường như đã xây dựng sẵn một số "trạm cấp cứu" khẩn cấp xung quanh các cơ quan quan trọng, ở đó luôn có một số lượng các tế bào máu thường trực sẵn sàng cho nhiệm vụ.


Các tế bào máu tham gia vào việc làm lành vết thương.

Các trạm cấp cứu này mới thu hút được sự chú ý của một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Calgary. Vài năm trước, họ đã tìm thấy thấy bằng chứng về một số tế bào máu cư trú trong túi chất lỏng bao quanh các cơ quan ở bụng, còn được gọi là khoang màng bụng.

Những tế bào này là một loại tế bào bạch cầu được gọi là đại thực bào và chúng biểu hiện một protein gọi là GATA6. Các nhà khoa học đặt tên cho chúng là tế bào GATA6 +. Vì cư trú ngay trong màng bụng, khi có cơ quan nào đó bị tổn thương, chúng có thể ngay lập tức chạy đến vị trí chấn thương mà không cần đi qua dòng máu.

Tin vui là các túi chất lỏng không chỉ xuất hiện ở khoang màng bụng. Trái tim của chúng ta cũng được bao bọc bởi một túi được gọi là khoang màng ngoài tim. Paul Fedak, một bác sĩ phẫu thuật tim tại Đại học Calgary cho rằng chúng ta cũng có thể tìm thấy các tế bào GATA6 + ở đó.

Và ông đã phỏng đoán chính xác. Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Miễn dịch, bác sĩ Fedak đã chứng minh trái tim cũng có một đội ứng cứu khẩn cấp. Các tế bào GATA6 + được tìm thấy bên trong khoang màng tim của chuột khi chúng bị thương.

Chúng cũng xuất hiện cả ở màng ngoài tim, còn gọi là niêm mạc khoang của các bệnh nhân đang có trái tim bị tổn thương. Câu hỏi là tại sao cho tới nay, các nhà khoa học mới tìm thấy một nhóm các tế bào có chức năng quan trọng như vậy trong cơ thể?


Các tế bào GATA6 + cứ trú trong màng ngoài tim.

Bác sĩ Fedak giải thích, đó đơn giản là vì không một nhà khoa học nào thực sự để ý và đi tìm kiếm chúng, những tế bào GATA6 +.

"Trong các thí nghiệm với tim chuột trước đây, các bác sĩ thường thẳng tay lột bỏ màng ngoài tim và để mất các tế bào trước cả khi họ bắt đầu thí nghiệm", ông nói. "Các bác sĩ cũng hay lột bỏ màng ngoài tim của các bệnh nhân".

Tương lai của một liệu pháp mới

Phát hiện của bác sĩ Fedak và nhóm nghiên cứu của mình đặc biệt có ý nghĩa. Bởi trái tim không phải là cơ quan có khả năng tự chữa lành cao. Vì thế mà một liệu pháp bây giờ đang hướng đến việc tiêm tế bào gốc trực tiếp vào trái tim để tăng cường khả năng hồi phục của chúng.

Nhưng thu thập và sản xuất tế bào gốc không phải quá trình đơn giản và rẻ tiền để tiếp cận được đại đa số bệnh nhân. Câu hỏi đặt ra là liệu có thể thay thế các tế bào gốc bằng GATA6 + hay không?

Giống như các tế bào bạch cầu khác, GATA6 + có khả năng sửa chữa những tổn thương trong tim. Mặc dù nó không có tác dụng chống nhiễm trùng, tìm ra cách khai thác và khuyếch đại hiệu quả của GATA6 + có thể vẫn giúp chúng ta hồi phục các tổn thương trong tim nhanh hơn.

"Chúng ta luôn biết rằng trái tim nằm trong một túi chứa đầy chất lỏng lạ. Bây giờ, chúng ta lại biết rằng thứ dịch màng ngoài tim này chứa rất nhiều các tế bào biết chữa bệnh", bác sĩ Fedak nói. "Các tế bào này có thể đang ẩn chứa những bí mật giúp chữa lành và tái tạo cơ tim mới".

Từ phát hiện này cho đến khi các nhà khoa học khai thác được GATA6 +, biến nó thành một loại thuốc không phải một sớm một chiều. Nghiên cứu có thể mất nhiều năm, thế nhưng bác sĩ Fedak cho biết ngay cả việc phát hiện ra các tế bào này đã có ý nghĩa lớn.

Bây giờ, nó sẽ khiến các bác sĩ phẫu thuật phải cân nhắc trước khi tiến hành các cuộc phẫu thuật tim. "Đầu tiên, đừng cắt bỏ màng ngoài tim. Thứ hai, bạn có thể thu hoạch các tế bào này, nhân chúng lên rồi tiêm trở lại cho bệnh nhân", bác sĩ Fedak nói.


Bác sĩ phẫu thuật tim Paul Fedak đến từ Đại học Calgary, Canada.

Bên cạnh đó, có một khía cạnh mà ông và nhóm nghiên cứu của mình cũng đang quan tâm là tìm hiểu xem GATA6 + có tác dụng ngăn chặn xơ hóa cơ tim hay không. Đó là một tình trạng đặc trưng bởi sự dày lên và cứng lại một cách bất thường của cơ tim, thứ có thể làm tăng nguy cơ suy tim.

"Giờ đây chúng ta có thể xem không gian xung quanh trái tim là một cửa sổ trị liệu", bác sĩ Fedak nói. Hãy cùng chờ đợi những kết quả mới của ông và nhóm nghiên cứu tại Đại học Calgary trong tương lai.

Cập nhật: 22/07/2019 Theo helino
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video